TN - Đất & Người

Thành phố Pleiku: Đô thị trẻ năng động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ra khỏi chiến tranh, Pleiku trở thành một thị xã hoang tàn đổ nát. Sau 42 năm, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Đảng bộ, quân và dân Pleiku đã cùng nhau xây dựng nên một thành phố trẻ năng động, sáng tạo, xứng đáng là trung tâm kinh tế-xã hội của tỉnh.             

Vươn lên từ gian khó

Gắn bó cuộc đời mình với Pleiku, ông Đào Lai (80 tuổi, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi của thành phố. Trong tâm trí của ông, thị xã Pleiku sau ngày giải phóng là cảnh hoang vu, xơ xác. Một số khu phố ở thị xã bị đốt phá. Đường phố ngổn ngang đồ đạc của dân khi bỏ chạy. Rác thải tràn lan, ô nhiễm và nước sinh hoạt không có… “Hồi đó, người dân sản xuất tự cung, tự cấp là chính. Giao thông đi lại chỉ có một số tuyến đường chính nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Dù khó khăn là vậy nhưng người dân vẫn nghe theo chủ trương của Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ mặt thị xã dần được thay đổi. Người dân có niềm tin và phấn khởi hơn hẳn”-ông Lai nhớ lại.

 

Một góc TP. Pleiku.                                                                                                                                                         Ảnh: Đ.T
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T

Thị xã Pleiku ngày đó có 75.000 dân. Hầu hết là gia đình những người buôn bán, làm thuê, sống dựa vào tiền lương và lợi tức buôn bán, thu nhập thấp; cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp rất nhỏ lẻ. Thị xã chỉ có 1 nhà máy điện, 1 nhà máy nước, một số cơ sở cưa xẻ gỗ, một vài ga ra sửa chữa ô tô, xe máy. Toàn thị xã chỉ có 2.000 công nhân và thợ thủ công. Diện tích gieo trồng vụ mùa năm 1975 chỉ có 3.000 ha; đàn bò có 2.000 con và 2 đồn điền Bàu Cạn và Biển Hồ do tỉnh tiếp quản. Cán bộ thị xã hầu hết chưa có kinh nghiệm chỉ đạo nông nghiệp; hiểu biết tình hình đất đai, khí hậu và khả năng của quần chúng còn hạn chế… Khó khăn chồng chất nhưng Ban Cán sự Đảng thị xã cũng đã xác định rõ, Pleiku có nguồn lao động dồi dào, cùng nhiều vùng đất ven thị có khả năng sản xuất nông nghiệp. Và hơn hết là vận động sức mạnh toàn dân và tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Trải qua 42 năm xây dựng và phát triển, Pleiku đã tập trung khai thác lợi thế, phát huy các nguồn lực đưa nền kinh tế tăng trưởng ngày càng cao với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12% (theo giá cố định 1994); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng qua các năm. Thu nhập bình quân đầu người 2016 đạt 45,3 triệu đồng/năm; thu ngân sách đạt 686 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm… luôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới. Thành phố có 100% đường nhựa đến tận trung tâm xã, 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư mở rộng, công tác chỉnh trang đô thị ngày càng được quan tâm.

Song song với đó, các công trình hiện đại được xây dựng, như: khách sạn 5 sao và chung cư cao ốc của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Siêu thị Co.op Mart, Khách sạn Tre Xanh Plaza, khu vui chơi giải trí Đồng Xanh, hồ Diên Hồng, làng văn hóa Plei Ốp... Thành phố Pleiku có một vóc dáng mới khang trang, hiện đại, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Cùng với các mặt tiến bộ xã hội, công tác chăm sóc-bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được chú trọng; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, y tế dự phòng được triển khai thường xuyên. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư, đổi mới theo hướng toàn diện. Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Phấn đấu trở thành đô thị loại I

Trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển, với những nhiệm vụ và giải pháp hợp lý, triển khai linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, TP. Pleiku đã khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và kiến thiết từ một thị xã nghèo nàn, lạc hậu, từng bước ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và trở thành một thành phố trẻ đầy năng động, nhiều tiềm năng. Với những kết quả đó, cuối năm 1998, Bộ Xây dựng công nhận thị xã là đô thị loại III; ngày 24-4-1999 Chính phủ đã ban hành nghị định thành lập TP. Pleiku và ngày 25-2-2009, TP. Pleiku đã được Chính phủ công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

 

Nâng cấp đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku).                Ảnh: Đ.T
Nâng cấp đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Ngoài ra, TP. Pleiku đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và nhiều bằng khen của các bộ và UBND tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội, các sở, ban ngành của tỉnh, TP. Pleiku tiếp tục phấn đấu trở thành đô thị loại I.

Trao đổi với P.V, ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku cho biết: “Hiện tại, TP. Pleiku đang tập trung xây dựng để trở thành đô thị loại I và phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trước năm 2019 (sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố). Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến xây dựng một thành phố hiện đại ở khu vực Bắc Tây Nguyên trên cơ sở phát huy các bản sắc văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, lấy chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng”.    

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo và mang lại nhiều kết quả thiết thực. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Đến nay, thành phố có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đều đã đạt 15-16 tiêu chí và quyết tâm sẽ hoàn thành nông thôn mới vào năm 2018, đưa TP. Pleiku trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành nông thôn mới.

“Trong năm 2016, thành phố đã đầu tư 2,8 tỷ đồng để cải tạo và trồng cây xanh trên một số tuyến đường và năm 2017 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện với tổng kinh phí là 10 tỷ đồng. Các khâu lát đá vỉa hè và sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng… cũng sẽ được tập trung triển khai trong năm nay”-Bí thư Thành ủy Pleiku cho biết thêm.

42 năm sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, quân và dân Pleiku đã đoàn kết một lòng xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó cũng chính là động lực để Đảng bộ và nhân dân Pleiku quyết tâm vươn xa hơn nữa trong chặng đường phía trước.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm