(GLO)- Để đảm bảo lợi ích cho người trồng mía, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) áp dụng nhiều chính sách mới như: đưa cơ giới vào cải tạo đất kết hợp với sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong sản xuất, hướng đến mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu bền vững tại khu vực phía Đông Nam tỉnh.
Cải tạo đất trồng mía
Vụ ép 2021-2022, sản lượng mía nguyên liệu được TTC Gia Lai thu mua ở mức cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây với mức giá trên 1,2 triệu đồng/tấn (10 chữ đường) và còn tăng thêm nếu chữ đường cao. Điều này giúp người trồng mía đạt lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha. Nhằm duy trì, phát triển vùng nguyên liệu mía trong những vụ ép tới, năm nay, TTC Gia Lai tiến hành khảo nghiệm và đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào sản xuất. Đồng thời, Công ty đưa cơ giới vào cải tạo và khôi phục những diện tích canh tác mía lâu năm bị bạc màu do người dân thường xuyên sử dụng phân bón hóa học. Đây là giải pháp mới để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía, giảm chi phí đầu tư.
Ông Lê Văn Hòa (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cho biết: Nhiều năm qua, người trồng mía chủ yếu sử dụng các loại phân bón vô cơ và chăm sóc thủ công nên chi phí đầu tư rất lớn. Năm nay, TTC Gia Lai giúp gia đình cải tiến máy cày thêm chức năng bón phân hữu cơ vi sinh trực tiếp xuống ruộng nhằm tăng khả năng hấp thụ của cây mía. Hiện tại, tôi đã chuyển sang bón phân hữu cơ vi sinh cho 30 ha mía bằng cơ giới mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giảm nhân công, giúp cải tạo đất, giảm chi phí đầu tư mà hiệu quả kinh tế cao hơn.
Áp dụng cơ giới trong bón phân hữu cơ vi sinh trên cánh đồng mía huyện Ia Pa. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Còn ông Đào Duy Phước (làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) thì chia sẻ: Gia đình tôi có 60 ha mía. Thời gian qua, giá phân bón tăng cao nên tôi chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và đưa cơ giới vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất mía lưu gốc bình quân đạt 70 tấn/ha, còn mía tơ đạt khoảng 80-90 tấn/ha, chi phí đầu tư cũng giảm dần.
Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: Mía là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Sau nhiều năm sử dụng phân bón vô cơ, đồng đất bị xói mòn, bạc màu. Trước thực tế này, TTC Gia Lai đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ người trồng mía như tưới tiết kiệm nước, cơ giới hóa và gần đây là đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào sản xuất.
Phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững
Mới đây, TTC Gia Lai phối hợp với Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công (Tập đoàn TTC) tổ chức hội thảo phân bón hữu cơ kết hợp cơ giới hóa. Đây là một trong những giải pháp mới trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu bền vững của TTC Gia Lai.
Ông Nguyễn Minh Lợi-Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công) cho hay: Nhiều năm qua, người dân chủ yếu sử dụng phân bón vô cơ khiến cây mía phát triển không đều do mất cân bằng sinh thái, chi phí đầu tư sản xuất lại tăng cao. Đặc biệt, hiện nay, giá phân bón vô cơ tăng cao. Vì vậy, người trồng mía nên chuyển sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh để chống rửa trôi, tạo độ ẩm cho đất hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Kiểm tra việc bón phân hữu cơ vi sinh cho cây mía. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Lan-Giám đốc TTC Gia Lai-cho biết: Nhằm hỗ trợ người trồng mía giảm chi phí đầu tư, TTC Gia Lai có nhiều chính sách đồng hành cùng bà con xây dựng vùng nguyên liệu mía bền vững như: tưới tiết kiệm nước, cải tiến thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất… Đặc biệt, Công ty đã thử nghiệm và hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh. Theo kế hoạch, vùng nguyên liệu của TTC Gia Lai sẽ mở rộng lên 12.000 ha, năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, đáp ứng công suất ép của nhà máy trên 8.000 tấn mía cây/ngày.
NGUYỄN DIỆP