Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt.
Nhiều khách hàng bắt đầu có thói quen mua sắm online. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
ại diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 26/8 tại Hà Nội, các đại biểu đều cho rằng sau 4 năm triển khai Quyết định số 2545, đến nay thanh toán điện tử và hệ sinh thái thanh toán điện tử có những bước phát triển tích cực.
Thanh toán qua mobile banking tăng gần 180%
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, COVID-19 ở một góc độ khác, đang khiến chúng ta thay đổi nhanh hơn trong chuyển đổi số, thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, chiến lược kênh phân phối...
“COVID-19 đang bước vào giai đoạn thứ hai, chúng ta cũng chưa biết bao giờ có thể khống chế dịch bệnh này, do đó, không có cách nào khác là phải thay đổi nhanh hơn, chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho kinh doanh bền vững trong bối cảnh sẽ phải sống chung với đại dịch,” ông Lộc nhấn mạnh.
Dưới góc độ của một chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nước ta bước vào giai đoạn không thể không thanh toán không dùng tiền mặt. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 càng ngày càng nghiêm trọng, thế giới đi vào trong giai đoạn khủng hoảng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người, kể cả y tế, sức khỏe con người, dịch bệnh chưa được kiểm soát.
“Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Trong hoàn cảnh khó khăn, đó là cơ hội chuyển đổi nền kinh tế truyền thống dùng nhiều tiền mặt, có sự can thiệp lớn của con người sang giai đoạn con người không thể tiếp tục gần gũi, can thiệp vào mọi quy trình sản xuất kinh doanh mà phải qua hệ thống công nghệ hiện đại. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam thay đổi,” ông Hiếu bày tỏ.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đang được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, được tích hợp thêm nhiều cấu phần dịch vụ mới như chuyển ngoại tệ, quyết toán theo lô.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỷ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong 6 tháng qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến cuối tháng 6/2020, toàn quốc có hơn 19.570 ATM và 266.310 POS, tăng lần lượt 4,4% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo ông Dũng, việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên, tính đến cuối tháng Sáu đã đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019). Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và tạo điều kiện mở rộng dịch vụ thanh toán không dung tiền mặt.
Đến nay, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện qua điện thoại di động. Số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019.
Toàn cảnh diễn đàn "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp". (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử. Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.
Ngoài ra, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) cho hay Công ty triển khai thanh toán không dùng tiền mặt từ năm 2016 với thời điểm sơ khai của hoạt động mua sắm qua mạng. Văn hoá “tiền trao cháo múc” đã được hình thành quá lâu, 95% khách hàng của Viettel Post lúc đó sử dụng hoạt động thanh toán dùng tiền mặt. Đây là rủi ro lớn với doanh nghiệp.
Do đó, đại diện doanh nghiệp này đã đưa ra nhiều giải pháp thay đổi phương thức thanh toán. Ví dụ, khách hàng thanh toán trước qua chuyển khoản sẽ được giảm cước vận chuyển đến 20-30%. Sau 4 năm triển khai, đã có 30% số khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, còn khoảng 70% khách hàng vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt.
Tuy nhiên theo ông Sơn, hiện có một số vấn đề khó khăn mà trước hết là liên quan chi phí. Nếu khách hàng thanh toán điện tử thì mất phí cao trong khi thanh toán tiền mặt không mất phí. Ngoài ra, với trường hợp thanh toán bằng ví điện tử lại có các QR Code khác nhau cho hệ thống các ví điện tử khác nhau mà không thể thanh toán chéo. Do đó, ông Sơn kiến nghị dùng QR Code chung cho các mã thanh toán ở các ví điện tử khác nhau.
Còn theo Chủ tịch VCCI, ở đây có cả vấn đề nhận thức và ý thức. Trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.
“Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, vừa gây lãng phí, vừa không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng,” ông Lộc nhấn mạnh.
Một số đại biểu bày tỏ mong muốn trễ nhất đến năm 2025, khoảng 80% dân số Việt Nam phải có tài khoản ngân hàng, phương tiện thanh toán phi tiền mặt chiếm tỷ trọng 40% trong giao dịch thanh toán tại Việt Nam.
Thúy Hà (Vietnam+)