Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về hàng loạt sai phạm liên quan đến việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Giao đất không thông qua đấu giá
Theo đó, trong quá trình quản lý, tỉnh Kon Tum đã giao đất cho hàng trăm trường hợp không thông qua đấu giá, vi phạm luật Đất đai. Trong đó có 319 trường hợp tại H.Ngọc Hồi, 85 trường hợp tại H.Đăk Hà... TP.Kon Tum có 43 trường hợp tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla được giao đất nhưng không thuộc đối tượng tái định cư.
43 trường hợp tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla được giao đất nhưng không thuộc đối tượng tái định cư. Ảnh: Đ.H |
Địa phương này cũng cho thuê đất công không tổ chức đấu giá hoặc có tổ chức đấu giá nhưng không đúng quy định tại luật Đấu giá tài sản 2016; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp kế hoạch sử dụng đất; tính không đúng tiền sử dụng đất (khi công nhận quyền sử dụng đất lần đầu hoặc chuyển mục đích sử dụng đất) nhưng cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý, thể hiện sự buông lỏng quản lý.
Đối với hộ gia đình cá nhân, ngành chức năng của tỉnh đã cho thuê đất không thông qua đấu giá; người dân thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích; cho thuê đất quy hoạch trồng cây lâu năm để xây dựng trung tâm thương mại và cấp giấy chứng nhận trái quy định.
Trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, cơ quan chức năng chưa có biện pháp để thu hồi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn nợ về ngân sách; còn buông lỏng quản lý, không yêu cầu đơn vị nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa với số tiền là 104,4 triệu đồng.
Biến đất công thành đất tư
Thanh tra Chính phủ cũng xác định, tháng 10.2016, UBND H.Đăk Hà đã có quyết định cho ông Đinh Xuân Ba thuê công viên 24 tháng 3 với diện tích 10.539 m2 và cho ông Phan Thanh Trường (cùng ở TT.Đăk Hà) thuê công viên Đăk Hà với diện tích 11.200 m2. Thời hạn cho thuê 2 công viên là 30 năm, hình thức thuê đất là trả tiền hằng năm.
Công viên Đăk Hà bị biến thành quán cà phê. Ảnh: Đức Nhật |
Cả 2 cá nhân thuê đất đã được UBND H.Đăk Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu, với mục đích là “đất khu vui chơi, giải trí” và hình thức “sử dụng riêng”.
Sau khi được Sở Xây dựng Kon Tum cấp phép, 2 cá nhân thuê đất đã xây dựng nhiều hạng mục công trình gồm: khu ăn uống, vui chơi, phòng tập gym, quán cà phê và một số vị trí đẹp đã cho bên thứ 3 thuê lại để hưởng chênh lệch.
Theo Thanh tra Chính phủ, các sai phạm về sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng tại 2 công viên trên đã gây bức xúc trong dư luận, được nhiều cơ quan báo chí đưa tin, viết bài phản ánh. Mặc dù Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum đã kiểm tra, kết luận nhưng việc kiểm điểm của các cá nhân có vi phạm chưa tương xứng với hành vi vi phạm.
Qua kiểm tra thực tế hiện trạng còn một số vi phạm chưa được khắc phục về nguyên trạng, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu địa phương này cần phải rà soát, xử lý dứt điểm những vi phạm đã được chỉ ra, nhất là việc xử lý kỷ luật công chức phải được tiến hành nghiêm túc, đặc biệt việc cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng không phép, trái phép để trả lại trạng thái nguyên trạng của 2 công viên.
Trường hợp các đơn vị, cá nhân không tổ chức thực hiện hoặc không thể khắc phục được sai phạm thì UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Lô đất có 4 mặt tiền
Đặc biệt Thanh tra Chính phủ còn phát hiện TP.Kon Tum đã làm đường sai vị trí để thửa đất của 1 cá nhân có 4 mặt tiền.
Lô đất có 4 mặt tiền của bà Nguyễn Thị Ánh. Ảnh: Đức Nhật |
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, bà Nguyễn Thị Ánh (vợ Bí thư Thành ủy Kon Tum thời điểm năm 2011) sở hữu thửa đất số 144 tờ bản đồ 26 với diện tích 3.739,9 m2 liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển quỹ đất của dự án làm đường quy hoạch P.Ngô Mây, TP.Kon Tum.
Tuy nhiên, cơ quan thanh tra xác định UBND TP.Kon Tum không thu hồi đất lô đất của bà Nguyễn Thị Ánh theo chủ trương đã được duyệt. Thực tế, bà Ánh được sử dụng đất và hưởng lợi từ việc đầu tư tuyến đường (số 2 và số 3) hình thành lên thửa đất có 2 mặt tiền.
Cụ thể, ngày 13.6.2011, UBND TP.Kon Tum ban hành Quyết định số 2661/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đường P.Ngô Mây. Trong đó vị trí đường số 11, 12 sai vị trí so với đồ án Quy hoạch xây dựng khu vực phía tây suối Đắk Tod Rech.
Tuy nhiên UBND TP.Kon Tum vẫn ban hành các quyết định thu hồi diện tích 280,5 m2 của bà Nguyễn Thị Ánh để làm đường giao thông. Việc làm này thể hiện sự tùy tiện, tạo điều kiện để thửa đất của bà Ánh có 4 mặt tiền như hiện nay với vị trí, lợi thế đặc biệt.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ xác định khi tính tiền sử dụng đất để chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở, cơ quan thuế đã tính thiếu tiền sử dụng đất nên cần phải yêu cầu bà Ánh nộp bổ sung 124 triệu đồng về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum căn cứ kết quả thanh tra, tiến hành các bước xử lý như: Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của UBND tỉnh và cá nhân chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu trong kết luận thanh tra.
Căn cứ thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có liên quan tiến hành kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vì để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, thành phố tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại đã được nêu trong kết luận thanh tra.
Theo Đức Nhật (TNO)