Kinh tế

Giá cả thị trường

Thanh tra toàn diện về quy hoạch, đầu tư các dự án điện tại 6 địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bạc Liêu là những địa phương nằm trong danh sách làm việc tới đây với Thanh tra Chính phủ về đầu tư các dự án điện.
Tổng thanh tra Chính phủ vừa có Quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện 7) và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện 7 điều chỉnh).
 
Tình trạng bùng nổ các dự án điện tái tạo tại một số điện phương, vượt quy hoạch điện và đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Ảnh: NG.NG
Tình trạng bùng nổ các dự án điện tái tạo tại một số điện phương, vượt quy hoạch điện và đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Ảnh: NG.NG
Theo đó, thời kỳ thanh tra trong 10 năm, từ năm 2011 - 2021, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Thời hạn thanh tra là 85 ngày làm việc tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Ngoài các thành viên của Thanh tra Chính phủ, Quyết định nêu rõ Bộ trưởng Bộ Công thương, các chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; chủ tịch UBND các tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Kèm theo quyết định này là danh sách 6 tỉnh có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian qua như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và Bạc Liêu.
Việc bùng nổ của điện mặt trời, điện gió giúp bổ sung lượng điện lớn điện tái tạo vào quy hoạch, gây tình trạng quá tải lưới điện, khiến nhiều dự án lâm cảnh sản xuất ra không bán được điện hoặc bị giảm phát điện.
Theo Báo cáo của Bộ Công thương khi xây dựng Đề án Quy hoạch điện 8 (giai đoạn 2021-2030, có tính tới năm 2045), tại Quyết định 428/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) ký ngày 18.3.2016, có 98 dự án với tổng công suất 57.535 MW được ghi danh. Nhưng hết năm 2020, đã có thêm 384 dự án hoàn toàn mới với tổng công suất 51.552 MW được bổ sung vào quy hoạch điện. Trong số 384 dự án được bổ sung mới này có 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.860 MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.450 MW. Bên cạnh đó, còn có 105.000 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 7.755 MW và được hưởng giá mua điện theo các Quyết định 11/2017 và Quyết định 13/2020 nhưng không được đưa vào kế hoạch trong Quy hoạch điện hiện hành.
Cách đây 1 năm, vào tháng 2.2021, trước tình trạng các dự án điện mặt trời áp mái phát triển ồ ạt, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương thanh tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm. Tuy nhiên, đến nay, kết quả thanh tra các dự án này vẫn chưa được Bộ Công thương cập nhật.
Theo Nguyên Nga (TNO)

Có thể bạn quan tâm