Từ nghề trồng hoa hồng áp dụng công nghệ cao, nhiều hộ dân sống dưới chân núi Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng hiện đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm.
Một vườn hoa hồng trồng trong nhà kính công nghệ cao của người dân ở thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương). Ảnh: Nguyễn Dũng
Từ miền quê Hà Tĩnh vào lập nghiệp, khi mảnh đất dưới chân núi Langbiang còn hoang sơ, sau 20 năm miệt mài lao động sản xuất, ông Hoàng Bình Minh ngụ Tổ dân phố Đankia, thị trấn Lạc Dương đã có của ăn, của để. Đặc biệt, gần 10 năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi hướng sản xuất sang trồng hoa hồng công nghệ cao, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu mỗi năm.
Nhờ nguồn thu này, ông Minh còn sắm cả xe ô tô bán tải để đi thăm vườn hoa mỗi ngày và làm phương tiện chuyên chở hoa cắt cành từ trang trại ra đường lớn.
“Mấy năm nay nghề trồng hoa hồng được bà con trong vùng ưa chuộng bởi cho thu nhập ổn định nhiều hơn trồng rau hay cà phê. Chẳng hạn như với 1 sào (1.000m2) hoa hồng nhà kính, mỗi tháng người dân có thể thu ít nhất 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Trung bình mỗi hộ dân ở đây có từ 3 đến 5 sào, hộ nào nhiều trồng cả vài hecta hoa hồng”, ông Minh cho biết.
Với ông Minh, thành công hôm nay không đến trong chớp mắt, mà đó là một chặng đường dài vượt qua những khó khăn của những ngày đầu lập nghiệp. Những cuộc khai hoang tìm đất từ hàng chục năm trước, hay những ngày vất vả dùng ngựa để thồ hoa từ trong chân núi ra ngoài đường lớn bán cho thương lái… Ông Minh chia sẻ: “Bây giờ thì khác, ô tô có thể đi đến tận vườn, người dân cũng áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nên công việc cũng nhàn hạ hơn nhiều lần”.
Theo thống kê, hiện nay toàn thị trấn Lạc Dương có khoảng 200 hộ dân đã chuyển sang trồng hoa hồng công nghệ cao thay cho vườn rau, dâu tây hay cà phê như trước đây. Tổng diện tích hoa hồng vào khoảng 1.000 hecta, bình quân mỗi hộ có từ 3.000 - 5.000m2 đất trồng hoa hồng, cá biệt nhiều hộ có từ 1 đến vài hecta chuyên canh loại hoa này. Nhờ đầu ra ổn định cộng với chất lượng hoa hồng vùng này to, đẹp hơn một số làng hoa hồng trước đây vốn rất nổi tiếng của Đà Lạt, nên được thị trường khá ưa chuộng dù mới xuất hiện vài năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Xuân Quả ngụ thị trấn Lạc Dương vừa thuê hơn 6.000m2 đất trồng hoa, cho biết, “Việc sản xuất hoa khá ổn định, chúng tôi có thể ký hợp đồng tiêu thụ với một mức giá nhất định với thương lái hoặc bán thẳng cho người mua theo giá thị trường, nhưng hầu như phương án nào cũng có lời hơn nhiều so với cây trồng khác”.
Bằng nghề trồng hoa hồng, ông Hoàng Bình Minh (44 tuổi, ngụ Tổ dân phố Đankia, thị trấn Lạc Dương) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Nguyễn Dũng
Để phục vụ nhu cầu tiêu thụ hoa của các hộ dân, một vài vựa đóng hoa đã hình thành ngay trong vùng Langbiang. Các vựa này thu mua hoa của bà con, liên kết với các mối lái từ Đà Nẵng, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Trung để tiêu thụ hoa ổn định hơn.
Ông Sử Văn Bằng mới từ quê Hà Tĩnh vào Lạc Dương định cư 2 năm nay chia sẻ, gia đình ông hiện có 7.000m2 đất trồng toàn bộ hoa hồng công nghệ cao. Cũng là làm nông nghiệp, nhưng so với ngoài quê, trồng bông trong này thấy hiệu quả cao hơn. Mỗi tháng, gia đình ông có thể thu được khoảng 70 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí.
Với nguồn thu cao từ hoa công nghệ cao, nhiều hộ trong vùng này đã trở thành triệu phú nông dân. Không ít gia đình ở thị trấn Langbiang có thể sắm sửa xe ô tô trị giá hàng tỷ đồng để phục vụ việc đi lại hàng ngày, hoặc đáp ứng nhu cầu chuyên chở hàng hoá, vật tư cho sản xuất. Đây cũng là tín hiệu vui, là thành quả lớn từ khi hoa hồng Đà Lạt mới bén rễ ở mảnh đất dưới chân núi Langbiang từ 5 đến 7 năm qua.
Nguyễn Dũng (TTXVN)