(GLO)- Trước thông tin về việc tiêu chết hàng loạt, khiến nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn có nguy cơ đổ nợ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, huyện Chư Pưh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kịp thời để kiểm tra thông tin, đồng thời phối hợp với Cục bảo vệ thực vật tỉnh khảo sát, nắm tình hình và có biện pháp can thiệp, tháo gỡ những khó khăn cho người trồng tiêu trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Chư Pưh có 63,5 ha tiêu, tương đương với hơn 127.700 trụ ở 9 xã, thị trấn bị chết do bị bệnh thối gốc thân. Ảnh: Hải Uyên |
Theo số liệu thống kê tính đến ngày 30-10-2011 trên địa bàn huyện Chư Pưh có 63,5 ha tiêu, tương đương với hơn 127.700 trụ ở 9 xã, thị trấn bị chết do bị bệnh thối gốc thân (bệnh chết nhanh), tập trung nhiều ở các xã: IaLe, Ia Blứ, Ia Phang, Ia Hla và Ia Dreng,
Theo đánh giá của ngành chức năng trên địa bàn, nguyên nhân tiêu chết là do vụ mùa năm 2011 mưa nhiều liên tục kéo dài trong nhiều ngày làm cho độ ẩm đất và không khí tăng cao tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại, đặc biệt là bệnh chết nhanh, cùng với đó là một số diện tích tiêu bị chết do trồng trên đất trũng, gặp mưa nhiều làm cho đất bí và khó thoát nước, ngoài ra còn có nguyên nhân là một số hộ sử dụng giống tiêu bị nhiễm bệnh từ năm trước để trồng đã ít nhiều ảnh hưởng đến vườn tiêu…Tính từ ngày 30-10-2011 đến ngày 15-2-2012 trên địa bàn huyện có thêm 1,42 ha tiêu bị chết. Ông Nguyễn Tiền một trong những hộ thiệt hại nhiều nhất ở thôn Thủy Phú, xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho biết: “Năm ngoái mưa nhiều nên gia đình tôi có 1.000 trụ tiêu bị chết, tôi cũng không biết vì sao mà một số diện tích tiêu nằm trên cao cũng bị chết. Mong ngành chức năng sớm tìm hiểu nguyên nhân, hỗ trợ gia đình tôi”.
Còn đối với gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn ở thôn Hòa An, xã Chư Don, ngày 28 tháng Chạp gia đình anh đã mua thuốc bảo vệ thực vật để phun trị bệnh nấm, rệp cho hơn 1.000 trụ tiêu đã cho kinh doanh. Sau khi phun đến mùng 3 tết Nhâm Thìn, anh phát hiện ra 500 trụ tiêu bị rụng lá, rụng cành và rụng quả. Gia đình anh cho rằng thuốc bảo thực vật B58 mà anh mua có vấn đề gì đó. Trước ý kiến của gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng tiêu của gia đình có hiện tượng bị rụng lá, cành, và quả, ngành chức năng trên địa bàn huyện Chư Pưh đã tiến hành phun đối chứng với liều lượng như gia đình anh Tuấn đã phun và theo liều lượng chỉ dẫn của nhà sản xuất để có cơ sở kết luận và can thiệp kịp thời. Qua chuyến đi khảo sát của Đoàn cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh tại một số gia đình có tiêu bị chết trên địa bàn huyện vào ngày 16-2, ông Nguyễn Văn Tú-Phó Chi cục trưởng chi cục bảo vệ thực vật tỉnh nhận định: “Tiêu chết là do những ảnh hưởng của bão số 9, số 11, hơn nữa quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy trình, hướng dẫn, một số vườn tiêu khai thác suy kiệt, sử dụng phân bón, thuốc kích thích tiêu chín đồng loạt chưa đúng cách và hiện nay là giai đoạn cuối chuyển mùa nên tiêu bị chết. Chúng tôi đã thống nhất với huyện bàn biện pháp khắc phục và khuyến cáo bà con nên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăm sóc; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân, phun thuốc để kích thích tiêu chín đồng loạt như vừa qua bà con nên dừng lại”.
Huyện Chư Pưh họp bàn đánh giá, giải quyết. Ảnh: Hải Uyên |
Tại cuộc họp với ngành chức năng liên quan của huyện và đoàn công tác của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh vào chiều 16-2, ông Lưu Trung Nghĩa-PCT thường trực UBND huyện Chư Pưh chỉ đạo các ngành liên quan của huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức về cách thức sản xuất, quy trình chăm sóc, phòng trừ bệnh, cung cấp kịp thời giá cả vật tư nông nghiệp, nông sản nói chung và giá tiêu kịp thời đến tất cả những hộ trồng tiêu trên địa bàn, xây dựng mô hình thoát nước cho cây tiêu ở vùng trũng, tăng cường công tác quản lý, mua bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hiệp hội hồ tiêu của huyện ….
Hy vọng rằng với những giải pháp can thiệp kịp thời như trên, cùng với việc khảo sát nhu cầu, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những hộ có nhiều diện tích tiêu bị chết để làm việc với ngân hàng khoanh nợ cho những hộ bị thiệt hại và không có khả năng chi trả sẽ góp phần gỡ kịp thời những khó khăn, giúp người trồng tiêu yên tâm sản xuất, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, xứng đáng là thủ phủ hồ tiêu của Tây Nguyên.
Hải Uyên