(GLO)- Nếu nhìn từ trên cao xuống thì thao trường của Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) chỉ là một chấm nhỏ giữa khoảng không gian rộng lớn. Song giữa nơi chỉ có nắng và gió thì khoảng xanh này chẳng khác nào một nguồn nước mát làm dịu đi cái khô khát vốn có của miền biên viễn.
Khoảng xanh thao trường
Rời TP. Pleiku trong cái lạnh se sắt của buổi sáng cuối đông, ấy vậy mà biên giới Đức Cơ lại đón chúng tôi trong nắng sớm chan hòa cùng với tiếng gió reo vui. Như đã hẹn trước, khi xe của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vừa dừng lại ngay cổng đơn vị, Chính trị viên-Đại úy Phạm Thanh Tùng đã đón chúng tôi trong cái bắt tay niềm nở. Vốn là người quen cũ nên không mất nhiều thời gian chúng tôi đã có mặt tại thao trường huấn luyện tổng hợp của Tiểu đoàn.
Thao trường này không giống với bất cứ thao trường nào mà tôi đã từng có dịp đặt chân đến, nó không dùng đến xi măng, gạch, đá hay sắt thép mà hoàn toàn gần gũi với thiên nhiên. Tận dụng khoảng xanh hiếm hoi ngoài thao trường rộng lớn, cán bộ, chiến sĩ nảy ra sáng kiến xây dựng “thao trường xanh” để đáp ứng nhu cầu học tập cũng như các hoạt động khác.
Giờ học trên thao trường xanh. Ảnh: P.D |
Đại úy Phạm Thanh Tùng cho biết: “Thao trường không cầu kỳ cũng chẳng tốn kém về kinh phí nhưng độc đáo và gần gũi. Những chiếc bàn, chiếc ghế hoàn toàn được làm từ tre, lồ ô do cán bộ, chiến sĩ khai thác ở những điểm cao xung quanh đơn vị, còn không gian của thao trường là dưới những tán cây điều lâu năm xanh tốt”. Đứng trong không gian ấy, dẫu không nghe thấy tiếng suối reo, cũng chẳng có tiếng chim hót… song tôi lại cảm giác như mình đang được trở về chiến khu xưa-những chiến khu như xã Krong (huyện Kbang) hay địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh)…
Chiến sĩ Lê Phú Vinh-Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 4 ví von: “Thao trường xanh” giống như một liều “dopping” sau những giờ huấn luyện mệt nhoài trong cái nắng khắc nghiệt của vùng đất biên cương.
Bổ ích và lý thú
Tôi có may mắn được chứng kiến giờ học của Đại đội 4 về ném lựu đạn xa trúng đích dành cho chiến sĩ mới đợt II-2013 ngay tại “thao trường xanh”. Giờ học ấy có phần sinh động và thi vị hơn rất nhiều khi bên dưới những tán cây là những tia nắng lấp lánh. Nắng xen qua từng kẽ lá, rọi xuống từng chiếc bàn, chiếc ghế và nhảy múa trên từng trang viết của chiến sĩ… Hình ảnh ấy khiến một người “ngoại đạo” như tôi cứ mê mẩn nhìn.
Đại úy Phạm Thanh Tùng “đánh thức” tôi bằng những lợi ích mà thao trường này mang lại: “Thao trường xanh” trở thành nơi học tập, diễn ra các hoạt động thao trường bổ ích cho cán bộ, chiến sĩ-đặc biệt là chiến sĩ mới, thời gian đầu chưa quen với khí hậu biên giới. Học tập trong không gian xanh, ít bị chi phối bởi thời tiết sẽ giúp chiến sĩ tập trung hơn với bài giảng và tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, chiến sĩ sẽ không còn phải đứng học giữa thao trường nắng nóng trong các nội dung lý thuyết kỹ-chiến thuật.
Ảnh: P.D |
Nơi này còn diễn ra nhiều hoạt động bổ ích và lý thú, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Cùng với việc chuẩn bị giáo án, thao trường, bãi tập cho từng nội dung, khoa mục huấn luyện, đơn vị còn chuẩn bị từ tấm băng rôn, pa nô cổ động, đến các loại sách báo, tạp chí, đàn guitar… Khi tiếng còi báo hiệu giờ giải lao vừa dứt, gấp lại sách vở, các chiến sĩ vội hòa ngay vào hoạt động thao trường.
Chiếc đàn guitar, hộp báo thao trường… nãy giờ vẫn nằm trên giá đỡ đã phát huy tác dụng. Một tốp chiến sĩ đang say sưa ca hát theo tiếng đàn, tốp lại chuyền nhau những tờ báo, cách đó không xa, một tốp khác lại reo hò cổ động cho trò chơi vật tay… Trên khuôn mặt của họ đều rạng ngời tươi trẻ, ít ai nghĩ rằng họ vừa trải qua những giờ huấn luyện vô cùng vất vả. Nhìn họ chuyền tay nhau những tờ báo, đọc cho nhau nghe những câu chuyện, tôi bỗng thấy dâng lên một niềm vui khó tả…
Tạm biệt những người lính khi hoạt động thao trường kết thúc, trên đường trở về Sở chỉ huy Tiểu đoàn, tôi đã vỡ ra rằng: Những người lính Tiểu đoàn 50 hoàn toàn có quyền tự hào về “thao trường xanh” của mình.
Phương Dung