Pháp luật

Tin tức

Thắt chặt kiểm soát hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hoạt động mua sắm trực tuyến và vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính ngày càng gia tăng. Kéo theo đó, tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm cũng tăng theo với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, đòi hỏi ngành chức năng phải có giải pháp ngăn chặn, xử lý.
Hàng ngàn bưu gửi có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Thời gian qua, lĩnh vực bưu chính trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ. Các loại hình dịch vụ bưu chính phát triển theo hướng đa dạng về loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và phong phú về hình thức hoạt động (như chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh). Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông, hiện toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đã thông báo hoạt động bưu chính với tổng số 313 điểm phục vụ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động thương mại điện tử. 
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thời gian qua, dịch vụ này cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết: “Tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm ngày càng gia tăng về số lượng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công tác bảo đảm an toàn, an ninh khi chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi chứa ma túy, vũ khí, công cụ hỗ trợ, chất gây nổ gây mất trật tự, an toàn xã hội. Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có hoạt động chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi có nội dung kích động, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước Việt Nam”.
Các doanh nghiệp bưu chính đang nỗ lực ngăn chặn hành vi gửi hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính. Ảnh: Hà Duy
Các doanh nghiệp bưu chính đang nỗ lực ngăn chặn hành vi gửi hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính. Ảnh: Hà Duy
Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện hơn 2.500 bưu gửi (bao gồm dịch vụ bưu gửi, bưu kiện thông thường và dịch vụ COD) có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Nguyên nhân của tình trạng này là do một số doanh nghiệp chỉ chú trọng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ quan tâm đến doanh thu và lợi nhuận nên đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua các quy định. Nhận thức về vấn đề an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính còn nhiều hạn chế, chưa được các doanh nghiệp này chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng cấm ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi phải có kỹ năng nghiệp vụ để phát hiện và xử lý. Và một nguyên nhân nữa không thể không nhắc tới là nhân viên của một số doanh nghiệp bưu chính có tâm lý ngại kiểm tra đối với bưu gửi thương mại điện tử đã được đóng gói kỹ từ các doanh nghiệp thương mại điện tử, các cơ sở bán hàng qua mạng”-bà Hương cho hay. 
Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Tài-Phó Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh) chia sẻ: “Dịch vụ bưu chính là loại hình dịch vụ thủ công, tiện ích và dễ sử dụng, không đòi hỏi thủ tục nghiêm ngặt, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng đều có thể sử dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng. Chính vì sự tiện lợi, dễ dàng khiến dịch vụ bưu chính ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, khó kiểm soát như: phát tán tài liệu, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc, vu cáo nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước; các đối tượng chống phá từ nước ngoài chuyển tiền, phương tiện hoạt động cho các tổ chức, cá nhân chống đối ở trong nước. Hay các loại tội phạm lợi dụng dịch vụ này để buôn bán, vận chuyển ma túy, vũ khí, công cụ hỗ trợ. Thủ đoạn của các đối tượng này là kê khai không đúng nội dung hàng gửi; chia, đặt mua nhỏ lẻ từng bộ phận nhiều lần, nhất là đối với súng tự chế, công cụ hỗ trợ; sử dụng tên giả, địa chỉ giả”.
Thắt chặt kiểm soát
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tài, thời gian tới, lĩnh vực bưu chính sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hội nhập với sự phát triển của khu vực, thế giới. Kéo theo đó, lĩnh vực bưu chính sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức mới khi các thế lực thù địch và các đối tượng phạm tội tiếp tục lợi dụng mạng lưới dịch vụ bưu chính để xâm phạm an ninh, trật tự với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. “Việc bảo vệ an ninh chính trị giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, là bộ phận quan trọng của công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin, truyền thông như hiện nay. Vì vậy, các bên tham gia hoạt động bưu chính phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thư, bưu phẩm, bưu kiện, gói kiện hàng hóa mà mình lưu trữ, vận chuyển qua mạng lưới bưu chính”-Phó Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ nêu quan điểm.
Các thế lực thù địch và các đối tượng phạm tội lợi dụng mạng lưới dịch vụ bưu chính xâm phạm an ninh, trật tự với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Ảnh: Anh Huy
Các thế lực thù địch và các đối tượng phạm tội lợi dụng mạng lưới dịch vụ bưu chính xâm phạm an ninh, trật tự với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Ảnh: Anh Huy
Để đảm bảo an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực bưu chính. Mới đây, 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn cho các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh. Tại lớp tập huấn, 2 đơn vị đã phổ biến các nội dung quan trọng của Luật Bưu chính năm 2010; các nghị định của Chính phủ liên quan đến việc thi hành Luật Bưu chính; các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, qua đó nâng cao nhận thức về thực trạng, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
Ông Lê Thanh Sang-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bưu chính Viettel-Chi nhánh Gia Lai-cho rằng: “Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến an toàn, anh ninh bưu chính là vô cùng cần thiết. Là một trong những doanh nghiệp bưu chính lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Bưu chính Viettel đã thực hiện rất nghiêm vấn đề này. Đối với bưu gửi, chúng tôi thường xuyên thực hiện đồng kiểm và có quay video ngay trước mặt khách nhận hàng. Trước sự phức tạp của các hành vi vi phạm khi khách hàng sử dụng dịch vụ bưu chính, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm hơn, đồng thời quán triệt cho toàn thể nhân viên chú ý hơn nữa trong việc nhận gửi hàng hóa”. 
Còn ông Phan Văn Thắng-Giám đốc Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm-Chi nhánh Gia Lai-đề xuất: “Các ngành chức năng nên có số điện thoại hotline để khi nhân viên của doanh nghiệp bưu chính phát hiện hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm thì có thể ngay lập tức báo cáo để kịp thời xử lý. Vì cách đây khá lâu, phía chúng tôi phát hiện bưu gửi là bằng giả, cũng loay hoay một hồi mới liên hệ được với cơ quan Công an để xử lý. Đồng thời, tại các quầy giao dịch của doanh nghiệp bưu chính, các ngành chức năng có thông tin cảnh báo ngắn gọn về mức xử lý các hành vi vi phạm để khách hàng nắm bắt”.
HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm