Kinh tế

Thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp ở Gia Lai lao đao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Gia Lai, đến 30-4-2011, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn huy động được 11.728 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, vốn huy động tăng chủ yếu là tiền gửi dân cư.
Kinh tế suy thoái, sản xuất kinh doanh khó khăn, giá cả tăng vọt, Chính phủ siết chặt kiểm soát đầu tư bất động sản, vàng, đô la thì lãi suất huy động cao là hướng đầu tư ổn định và an toàn nhất. Điều đó lý giải vì sao nhiều tổ chức và cá nhân lựa chọn cách gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất cao để hưởng lợi và cũng là sự lý giải cho tốc độ tăng trưởng của kênh huy động tiền gửi cá nhân từ đầu năm đến nay.
 
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Trong khi đó, cùng thời điểm, dư nợ cho vay của các NHTM trên địa bàn đạt 24.283 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Kết quả này phản ánh các ngân hàng đã tích cực và nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Chính phủ và sự chỉ đạo của NHNN. Chủ trương của NHNN Việt Nam là năm nay, dư nợ tín dụng tăng trưởng không quá 20%, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Với chủ trương trên, các NHTM đã và đang tính toán lại các dự án đã cam kết đầu tư và có kế hoạch giải ngân phù hợp tiến độ. Các ngân hàng cũng  hạn chế cho vay lĩnh vực phi sản xuất, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vàng để tập trung vốn cho khu vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, làm ra của cải, sản phẩm hàng hóa cho xã hội.
Đi đôi với siết chặt vốn tín dụng, các ngân hàng cũng tích cực đôn đốc thu hồi nợ, xử lý nợ. Một số khách hàng làm ăn kém hiệu quả trong thời gian dài, chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đã bị không ít ngân hàng “cắt đứt” quan hệ, không gia hạn hoặc tiếp tục cho vay và nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp để thu hồi nợ. Theo lộ trình đã được vạch ra, đến 31-6-2011, cho vay phi sản xuất của các NHTM sẽ không vượt quá 22% tổng dư nợ và đến 31-12-2011 không vượt quá 16% tổng dư nợ. Hiện nay, cho vay lĩnh vực này của các NHTM chiếm 15% tổng dư nợ. Như vậy không chờ đến sự “nhắc nhở” của hội sở, ngành dọc, cơ quan quản lý nhà nước, các NHTM đã thấy sự cần thiết phải thắt chặt cho vay đối với một lĩnh vực sử dụng nguồn vốn lớn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thất thoát, hiệu quả mang lại không cao.   
Ông Nguyễn Đức Phương-Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Gia Lai nhận định: “Lãi suất cho vay 18-20%/năm như hiện nay là một thách thức rất lớn đối với các khách hàng thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi phần lớn vốn tự có của doanh nghiệp tỉnh ta chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng vốn hoạt động”. Để “hóa giải” bài toán về vốn, nhiều doanh nghiệp phải tính toán lại hiệu quả của các dự án, phương án sản xuất kinh doanh; kết hợp huy động và sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau: Vốn tự có, vốn của anh em, bạn bè, người thân, vốn vay ngân hàng... nhằm giảm chi phí, duy trì hoạt động. Khi không có sự trợ giúp của các NHTM nhà nước, hay vốn vay ưu đãi, quỹ hỗ trợ, doanh nghiệp buộc phải tiếp cận nguồn vốn có lãi suất cao thì rủi ro là điều khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, Chi nhánh NHNN tỉnh đã triệt để thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam thực hiện chủ trương chung. Chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTTN tỉnh đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo Thông tư 03/TT-NHNN ngày 8-3 -2011 của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam về cho vay hỗ trợ nông dân giảm tổn thất sau thu hoạch. Hưởng ứng chủ trương này, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Gia Lai cũng đã và đang triển khai áp dụng giảm 2% lãi suất so với mức lãi phổ biến của các NHTM hiện nay.
Ông Ngô Văn Đốc-Giám đốc Ngân hàng Công thương tỉnh cho rằng, khu vực này  vốn chịu nhiều rủi ro và rất dễ bị tổn thương, vì vậy hỗ trợ phù hợp không chỉ nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ mà còn là hành động thiết thực chia sẻ khó khăn với nông dân.
“Song song với nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ trên địa bàn, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đang triển khai thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Thông tư 02/TT-NHNN về quy định lãi suất huy động không vượt quá 14%/ năm, phối hợp với ngành chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng bạc, kiểm tra các bàn thu đổi ngoại tệ. Tất cả nhằm đảm bảo Nghị quyết 11 của Chính phủ được thực hiện một cách nghiêm túc trên thực tế”-ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc NHNN tỉnh cho biết.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm