(GLO)- Bố mẹ mất sớm, để lại 2 đứa em nheo nhóc, đứa út năm nay mới vào lớp 1 . Dù đang tuổi ăn tuổi học nhưng Kpuil Nga chưa một lần được chạm đến cây bút hay quyển vở. Thay vào đó, em phải đi làm thuê, bốc vác lúa, mì để có tiền nuôi 2 em. Làm lụng vất vả là vậy, thế nhưng cuộc sống của 3 chị em chưa một bữa nào cơm no ấm bụng, chứ đừng nói đến thịt cá nghe mà xa vời.
Đó là hoàn cảnh xót xa của 3 chị em mồ côi Kpuil Nga (sinh năm 1998), Kpuil Ngân (sinh năm 2007) và Kpuil Ngoh (sinh năm 2001) ở làng Nút Griêng 1, xã Alba , huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Nỗi đau mất cha chưa nguôi, lại chịu tang mẹ
Vượt chặng đường dài gần 70 km, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đường vào làng Nút Riêng 1. Đi sâu vào phía cuối làng, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà cũ kỹ, ọp ẹp. Chứng kiến cuộc sống khắc nghiệt của 3 chị em, chúng tôi mới hiểu được những vất vả, khó khăn mà những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn này phải chịu đựng, xót xa hơn lại thiếu đi tình thương yêu, che chở của mẹ cha.
Ngôi nhà ọp ẹp, cũ kỹ của 3 chị em Kpuih Nga. Ảnh: Hải Băng |
Mấy năm trước người bố không may lâm bệnh, vì không có tiền chữa trị, thuốc men nên bệnh tình ngày một nặng hơn và mất, để lại 2 cô con gái bé bỏng cùng người vợ đang mang thai đứa con thứ 3. Không lâu sau người mẹ hạ sinh cô gái út, cũng từ đó cuộc sống ngày càng bần cùng hơn, mới 8-9 tuổi đầu Kpuih Nga đã phải theo mẹ lên nương làm rẫy. Những tưởng cuộc sống của 3 đứa trẻ sẽ khá hơn phần nào khi vẫn còn tình yêu thương của người mẹ. Thế nhưng hạnh phúc một lần nữa lạc đường, người mẹ uống thuốc sâu rồi ra đi không một lời nhắn nhủ. Để lại 3 cô con gái bơ vơ không nơi nương tựa, nỗi đau tinh thần cùng nỗi đau về vật chất tiếp tục dày xéo cuộc sống của 3 đứa trẻ tội nghiệp.
Ngôi nhà khoảng 25 m2 được nhà nước hỗ trợ chi phí xây dựng, nơi tá túc nay đã ọp ẹp và dột nát. Trong nhà không có nổi một đồ vật gì giá trị ngoài chiếc tivi bạc màu được bà con láng giềng cho từ lâu. Tâm sự với chúng tôi, em Kpuil Nga nói: “Hồi trước thì còn đỡ chứ nay nó dột hết rồi, nhiều khi đang ngủ chúng cháu phải tỉnh giấc để dịch giường đủ các góc tránh nước mưa. Nhưng vẫn bị ướt, lại không có chăn đắp nên cứ đến mùa mưa là em Kpuih Ngoh lại sốt, nhưng cũng để vậy thôi chứ đi bệnh viện thì không có tiền”. Những lỗ thủng nham nhở trên mái tôn cũ kỹ, ọp ẹp cạnh bên tivi, một chiếc giường cũ nát, không chiếu chăn...
Mới mấy tuổi đầu Kpuil Nga đã phải theo mẹ ra đồng làm nương, làm rẫy, từ ngày mẹ mất, công việc lại đè nặng lên đôi vai nhỏ nhắn của em hơn. Kpuih Nga kể: “Hàng ngày cháu phải dậy sớm nấu cơm cho hai đứa, đưa các em đến trường để kịp giờ về đi làm. Ngày nào cũng như vậy, cứ ai kêu làm là cháu đi hết bất kể làm cỏ, nhổ mì, gặt lúa rồi khuân vác cà phê đến tối mịt mới về. Nhiều khi đường xa nên tới khuya mới về đến nhà, khi ấy các em đã đi ngủ hết, nấu vội nồi cơm cùng bó rau làm canh rồi gọi các em dậy ăn. Sáng hôm sau lại tiếp tục như vậy, hầu như ngày nào cũng thế trừ khi trời mưa to quá mới nghỉ ở nhà, nhưng nghỉ ở nhà thì không có cơm ăn”.
Số phận lênh đênh của 3 đứa trẻ mồ côi
Thức khuya, dậy sớm làm lụng vất vả thế nhưng cuộc sống của 3 chị em chưa một lần được no bụng. Thậm chí những hôm trời mưa Kpuih Nga không đi làm nên không đổi được gạo, 3 chị em phải ăn khoai, ăn sắn được hàng xóm cho. Những bát canh thay cơm, gọi là canh chứ thực ra chỉ vỏn vẹn mấy cọng rau nấu chung với nước. Puil Nga thở dài: “Hôm nay cháu không có ai thuê đi làm, gạo cũng hết rồi, các em đi học sắp về rồi cũng không biết lấy dì cho các em ăn nữa...”.
Nhận xét về hoàn cảnh của 3 chị em, bà Lê Thị Kim Huệ-công chức văn hóa xã hội xã Ablang cho biết: “Gia đình em Kpuih Nga là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất của xã Alba, bố mẹ lại mất sớm, ruộng vườn đất đai thì không có, 2 đứa nhỏ thì quá bé không thể đi làm thuê làm mướn cùng chị cả. Thực ra xã cũng có khá nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo nên chỉ hỗ trợ mỗi gia đình một phần nào đó, để họ có thêm động lực để thoát nghèo. Ngoài ra xã còn hỗ trợ tiền điện theo tháng, các khoản thuế cho gia đình các em”.
Nhìn vào đôi mắt thơ ngây trong sáng của em chúng tôi không thể cầm được những giọt nước mắt vì xót thương. Nhìn bộ quần áo bạc màu em mặc trên người, có lẽ chưa bao giờ em được thử cảm giác khoác lên mình bộ áo mới như bạn bè đồng trang lứa, chứ đừng nói là được đi học. Đã 19 tuổi đầu nhưng em vẫn chưa biết mặt chữ cái nào cũng không biết cách cầm cây bút như nào cho đúng.
Nghĩ mà quặn thắt, những bát gạo đầy vỏ trấu những hộ gia đình khác chỉ dùng để nấu rượu, cho con vật ăn, thì ở đây các em thậm chí còn không đủ để ăn. Ánh mắt ngây thơ của cô bé út Puil Ngoh: “Chị ơi em đói”, rồi Puih Ngân cũng gọi cô chị cả. Nhìn đôi mắt của các em, Puih Nga nghẹn ngào kể lại: “Trước đây đã có người vào hỏi xin 2 em về nuôi, nhưng cháu nhất quyết không để họ đưa em đi, lần đó cháu phải dắt hai em chạy lên rẫy trốn, đến khi họ đi khuất cháu mới đưa 2 em về. Dù thế nào đi nữa cháu vẫn sẽ nuôi 2 em, bất luận thế nào cháu cũng sẽ cho 2 em đi học, bốc vác thêm mấy bao lúa nữa cũng được”.
Hiện tại cô gái út Puih Ngoh đang học lớp 1 và Puih Ngân đang học lớp 3, trực tiếp giảng dạy 2 em cô giáo Huỳnh Thị Thiện tâm sự: “Nhà 2 em rất nghèo, đi học mà không có lấy một bộ quần áo lành lặn để mặc chứ chưa nói đến sách vở hay bút thước. Tuy nhiên 2 em rất chăm chỉ, đi học đều đặn lại ngoan ngoãn nghe lời cô giáo nên toàn bộ sách vở, bút thước được các thầy-cô giáo trong trường bỏ tiền ra mua. Chỉ cần các em vui vẻ chăm chỉ học hành thì những người giáo viên như chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tiền bạc cũng như cổ vũ động viên các em”.
Ông Puih Phế-Trưởng thôn Nút Riêng 1, xã Alba cho biết, hiện tại gia đình cháu Puih Nga có hoàn cảnh khó khăn nhất thôn. Mặc dù cháu Puih Nga cũng có làm nữa sào lúa nhưng cũng không ăn thua. Vì cháu còn quá nhỏ, không học hành, không có một chút kinh nghiệm nên đã khó nay càng khó hơn. Hằng ngày cũng chỉ biết đi làm thuê bốc vác cho những chủ trang trại tại xã, sáng sớm đưa các em đến trường rồi đi làm đến tối mịt mới về. Thế nhưng cuộc sống của 3 chị em cũng không mấy khá giả, không biết sau này số phận của các cháu liệu sẽ trôi dạt về đâu.
Hải Băng