Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Thay đổi nhân sự T.Ư Đảng khóa XIII sau gần 2 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tới Hội nghị T.Ư 6 khai mạc sáng nay 3.10, nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII đã có nhiều thay đổi sau gần 2 năm.

Công tác nhân sự sẽ là một trong các nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII khai mạc sáng nay 3.10.

Tại phiên họp hôm 16.9 vừa qua, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt, đình chỉ các chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; và trình T.Ư Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Thăng do các sai phạm liên quan vụ án Việt Á.

 

Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII khai mạc sáng nay 3.10. Ảnh: Nhật Bắc
Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII khai mạc sáng nay 3.10. Ảnh: Nhật Bắc


Ông Thăng cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam ngay sau đó. Do đó, ông Phạm Xuân Thăng là một trong các nhân sự T.Ư sẽ xem xét kỷ luật tại hội nghị lần này.

Ngoài ra, theo thẩm quyền, T.Ư Đảng cũng sẽ cho ý kiến về nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Hiện, bà Đào Hồng Lan đang được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế do đây là nhân sự Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm.

Tương tự, ông Ngô Văn Tuấn cũng được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, song đang giữ chức vụ Phó tổng Kiểm toán phụ trách vì đây là nhân sự do Quốc hội bầu.

Đó là những vị trí nhân sự chắc chắn sẽ được T.Ư Đảng cho ý kiến tại Hội nghị T.Ư 6 dự kiến kéo dài tới 10.9.

Tính tới nay, nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII đã có nhiều thay đổi sau gần 2 năm.

 

7 ủy viên T.Ư khóa XIII bị kỷ luật

Đại hội Đảng XIII (tháng 1.2021) đã bầu ra Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII với 180 ủy viên T.Ư chính thức, 20 ủy viên dự khuyết.

Tới khoảng tháng 7.2021, bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước của nhiệm kỳ mới hoàn tất kiện toàn tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, trong hơn 1 năm kể từ thời điểm này, nhân sự T.Ư Đảng đã có rất nhiều thay đổi.

Sự thay đổi bắt nguồn từ việc nhiều ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau.

Tới nay, đã có 6 ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII bị kỷ luật, một người đang chờ án kỷ luật của T.Ư (ông Phạm Xuân Thăng), bằng 70% số ủy viên T.Ư bị kỷ luật của cả nhiệm kỳ trước.

Cụ thể, có 3 ủy viên T.Ư khóa XIII bị khai trừ ra khỏi Đảng - hình thức kỷ luật cao nhất, gồm: cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam; cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh; cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Ba người khác bị kỷ luật ở mức cảnh cáo, gồm: ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư; ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ngày 6.7.2021, tại Hội nghị T.Ư 3, ông Trần Văn Nam, ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, bị T.Ư Đảng cách tất cả chức vụ trong Đảng cả 3 nhiệm kỳ: 2010 - 2015, 2015 - 2020 và 2020 - 2025. Ông Nam là ủy viên T.Ư đầu tiên của khóa XIII bị kỷ luật.

Sau khi ông Nam bị cách chức, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng ban Đối ngoại T.Ư, được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước.

Hai ủy viên T.Ư tiếp theo bị kỷ luật là các ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; và ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế. Cả ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị T.Ư khai trừ ra khỏi Đảng tại Hội nghị T.Ư bất thường hôm 6.6, do liên quan tới vụ án Việt Á. Sau đó 1 ngày, cả ông Chu Ngọc Anh lẫn Nguyễn Thanh Long đều bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án Việt Á.

Sau khi ông Chu Ngọc Anh bị bắt, ông Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước, được Bộ Chính trị điều động làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, giới thiệu để HĐND TP.Hà Nội bầu làm Chủ tịch UBND thành phố.

Chiếc “ghế trống” tại Kiểm toán Nhà nước do ông Trần Sỹ Thanh để lại được ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, đảm trách. Hôm 24.7, ông Tuấn được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng Kiểm toán phụ trách.

Trong khi đó, với vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế, hôm 15.7, Bộ Chính trị cũng đã điều động, phân công bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, làm Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Việc bổ nhiệm chính thức đối với bà Đào Hồng Lan và ông Ngô Văn Tuấn theo quy trình sẽ được tiến hành tại kỳ họp 4 dự kiến khai mạc 20.10, sau khi T.Ư cho ý kiến.

Thay thế cho bà Đào Hồng Lan giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh là ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

 

Ủy viên dự khuyết được giao nhiệm vụ

Đối với 3 trường hợp ủy viên T.Ư bị kỷ luật ở mức cảnh cáo, theo kết luận mới nhất của Bộ Chính trị, “nếu không tự nguyện từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm”.

Do đó, trường hợp các ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang có thể sẽ bị miễn nhiệm các chức vụ hiện tại trong thời gian tới.

Sự thay đổi vị trí trong 180 ủy viên T.Ư chính thức, cũng tạo nên thay đổi của 20 ủy viên dự khuyết T.Ư khóa XIII.

Ngày 25.7, Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, làm Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình thay cho ông Ngô Văn Tuấn được điều động về phụ trách Kiểm toán Nhà nước.

Ngày 25.8, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, được bầu làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn thay cho ông Nguyễn Anh Tuấn được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Thủ Đức, cũng được Bộ Chính trị chuẩn y nhân sự giữ chức Phó bí thư Thành ủy TP.HCM.

Trước đó, cuối tháng 6, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức gặp mặt các ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng khoá XIII với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai.

Tại buổi gặp mặt, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng mong các ủy viên dự khuyết khi được Đảng giao nhiệm vụ thì hăng hái đảm nhận, đồng thời không ngừng tiến bộ.

Trong khi đó, bà Mai mong muốn những cán bộ dự khuyết trong tương lai sẽ vững vàng trở thành những ủy viên chính thức và giữ vị trí quan trọng trong Đảng, xứng đáng với niềm tin, sự tin tưởng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và T.Ư giao phó.

Đại hội XIII của Đảng đã bầu 20 ủy viên T.Ư dự khuyết. Trong đó, có 19 người tham gia lần đầu, 1 người tái cử (7 người công tác tại các cơ quan T.Ư và 13 người công tác tại địa phương). Độ tuổi bình quân ủy viên T.Ư dự khuyết vào đầu nhiệm kỳ khoá XIII là 43,7 tuổi.

Theo Lê Hiệp (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm