Du lịch

Hành trang lữ hành

Thấy gì từ vụ tai nạn khiến 4 du khách tử vong ở làng Cù Lần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du lịch mạo hiểm đang trở thành xu hướng khi giúp du khách trải nghiệm được những cảm giác phiêu lưu cực đỉnh. Mùa mưa, họ càng thích hơn vì gia tăng được kịch tính, để vượt qua giới hạn bản thân. Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu cần có điểm dừng đúng lúc, không nên liều.

Trải nghiệm khó quên

Vụ tai nạn khiến 4 du khách tử vong ở làng Cù Lần (Lạc Dương, Lâm Đồng) thu hút sự quan tâm của dư luận và đặt dấu hỏi vì sao du lịch mạo hiểm vẫn diễn ra vào mùa mưa - thời điểm thiên nhiên có nhiều biến thiên bất thường như mưa gió, bão lũ, sạt lở…

Chị Tống Thị Hoài Thu (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - người từng tham gia tua du lịch mạo hiểm (đi bộ, chèo thuyền) trên sông Sêrêpôk cho hay, vẫn còn nhớ giây phút phiêu lưu trên sông, khá hồi hộp nhưng vô cùng thích thú. Kể lại hành trình chinh phục thiên nhiên, chị Thu thông tin, trước khi bắt đầu, chị được hướng dẫn, trang bị kỹ năng và những vật dụng cần thiết như áo phao… Mỗi thuyền sẽ có một nhân viên của đơn vị tổ chức đi cùng. Khi chèo thuyền trên sông Sêrêpôk, chị được trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên mặt nước, ngắm nhìn cảnh sắc hai bên bờ rất yên bình. Khi đến đoạn có dòng thác cao, nước chảy xiết, chị Thu chuyển sang đi bộ trên những triền đá núi lửa cổ xưa với những hình thù độc đáo, nguyên sơ, được tắm dưới làn nước đổ từ trên cao xuống. Xuyên suốt tua, chị còn được tham quan, tìm hiểu đời sống và văn hóa của người Ê Đê, người M’nông với những ngôi nhà dài, cách trồng và chăm sóc cây cà phê.

“Khi tham gia tua du lịch mạo hiểm, đơn vị khai thác phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, mua bảo hiểm cho du khách, có phương án khi gặp tình huống phát sinh bất ngờ… Nhờ tuân thủ các quy định trên, đơn vị chúng tôi đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Lượng khách đăng ký trải nghiệm du lịch mạo hiểm ngày càng tăng lên. Trong 9 tháng đầu năm 2023, có hơn 20.000 lượt khách tham gia tua du lịch mạo hiểm do đơn vị tôi tổ chức”. ông Ngô Xuân Nam

Từng được “cưỡi” xe công nông băng qua các cung đường dọc sông Sêrêpôk, chị Nguyễn Thị Trang (du khách thành phố Vinh, Nghệ An) chia sẻ, đó là trải nghiệm đáng nhớ. Chị Trang cho hay, xuyên rừng bằng xe công nông rất thú vị, nhất là lúc xe lên, xuống dốc. Sau phút giây đầy kịch tính ấy, chị đắm mình vào không khí trong lành, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, ngắm triền cà phê trải dài, hít hà hoa cà phê thơm ngát nở bung như tuyết phủ trắng.

“Khoảnh khắc này thường xuất hiện vào thời điểm trời nắng đẹp như dịp gần hoặc ra Tết. Do đó, nếu có cơ hội, tôi sẽ xách ba lô lên, trở lại Tây Nguyên tiếp tục khám phá trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên, như hệ thống hang động núi lửa chẳng hạn”, chị Trang tâm sự.

An toàn là trên hết

Ông Ngô Xuân Nam, Quản lý cụm thác Dray Nur - Dray Sáp Thượng (Gia Long) trên sông Sêrêpôk, thuộc Cty TNHH Đầu tư Du lịch Trung Nguyên Healing (đơn vị đang triển khai tua du lịch mạo hiểm đạp xe - leo núi - chèo thuyền) cho biết, vào mùa mưa, đường vào rừng hay bị lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Nhưng đổi lại cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, đủ sắc màu của cây cối, có mây trắng bồng bềnh, gió núi hun hút cùng dòng thác tung bọt trắng xóa. Bản giao hưởng thiên nhiên hùng vĩ này chỉ có trọn vẹn vào mùa mưa. Đó là lý do thôi thúc du khách, nhất là những người ưa mạo hiểm lên đường chinh phục thử thách.

Du khách tham gia chèo thuyền trên sông

Du khách tham gia chèo thuyền trên sông

Tuy nhiên, theo ông Nam, khi tham gia du lịch mạo hiểm, du khách và đơn vị tổ chức cần được trang bị đầy đủ kiến thức và có biện pháp cho tình huống phát sinh, nhất là vào mùa mưa lũ.

Theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định về sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch bao gồm một số hoạt động như bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao, chèo thuyền vượt ghềnh thác, thám hiểm hang động…

Khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách, doanh nghiệp cần cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan, cần chủ động phương án cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm chưa có sự giám sát kỹ lưỡng, dẫn đến nhiều tai nạn. Ngọc Ánh

Đối với xe địa hình đòi hỏi 2 yếu tố là hạ tầng giao thông và con người. Khi đưa xe vào khai thác tua du lịch mạo hiểm, đơn vị quản lý cần đảm bảo xe đúng tiêu chuẩn và kiểm tra, bảo dưỡng hằng ngày. Hạ tầng giao thông cho tua du lịch mạo hiểm cũng cần đặt lên hàng đầu, bởi đường đi cho loại tua này là rừng núi, đồi dốc quanh co rất nguy hiểm. Đơn vị khai thác tua du lịch cần cắm các biển báo tốc độ, khu vực ôm cua, hoặc nơi có nguy cơ bị ngập, sạt lở… Điều này rất quan trọng để lái xe và du khách thận trọng khi di chuyển qua đây. Với đội ngũ lái xe địa hình, ngoài việc có giấy phép theo quy định, còn phải được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thoát hiểm, cứu hộ do ngành công an, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch địa phương tổ chức…

Một điều rất quan trọng cần chú ý khi triển khai loại hình du lịch mạo hiểm chính là diễn biến thời tiết, thiên tai bất thường. Ông Nam nói thêm, với những khu vực có sông, suối, thác ghềnh…, cần có quy chế phối hợp với các công ty thủy điện, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình. “Khi có những cảnh báo mưa lũ, xả lũ…, đơn vị khai thác tua du lịch mạo hiểm nên dừng kinh doanh. Bởi an toàn tính mạng con người là quan trọng nhất. Đơn vị chúng tôi từng hủy tua khi thời tiết có dấu hiệu bất thường không đảm bảo.

Có thể bạn quan tâm