Ông là Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, người vừa mới qua đời tại thủ đô Hà Nội.
Đầu năm 1984, tôi nhận quyết định từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế vào công tác tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Sau đó tôi được Đoàn Nghệ thuật Đam San tiếp nhận làm họa sĩ thiết kế mỹ thuật. Chưa đầy 2 tháng sau, Sở Văn hóa Gia Lai-Kon Tum có quyết định gửi về đoàn trưng dụng tôi theo đoàn của Viện Nghiên cứu văn hóa, đi sưu tầm văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Trưởng đoàn là ông Tô Ngọc Thanh.
Tác giả và Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh (bìa phải). Ảnh: P.S |
Tôi được xe Jeep đưa đến huyện Đak Glei lúc bấy giờ để gặp đoàn. Tôi được đoàn phân công phải chép toàn bộ trang phục nam và nữ của người Jeh bằng màu trong đêm dưới sự chỉ đạo của trưởng đoàn Tô Ngọc Thanh. Đêm đầu tiên tôi được tiếp xúc với vị lãnh đạo từ tốn, hiền lành và ân cần trong một không gian làm việc tù mù bên ngọn đèn dầu, ông khuyên tôi nên cố gắng kiên nhẫn để chép bằng được các hoa văn trên trang phục nam, nữ và cả những tấm choàng vì ngày mai phải chuyển điểm đến một vùng khác. Té ra đoàn gồm các thành viên mỗi người phụ trách một lĩnh vực: âm nhạc, múa, phong tục tập quán, văn học dân gian… Họ đã đến đây từ hơn một tuần trước đó.
Tôi hoàn toàn làm việc theo mệnh lệnh dù hoàn toàn không biết mục đích của đoàn. Nhưng tôi rất hào hứng vì mình là họa sĩ mới của một Đoàn Ca múa nhạc Tây Nguyên nhưng lại chưa có vốn liếng gì về văn hóa về vùng đất này, nên đây là dịp để tôi thu thập kiến thức phục vụ cho công việc. Có lần thấy tôi đam mê và tận tụy, nhiệt tình với công việc, ông Tô Ngọc Thanh liền nói: “Nếu cháu theo đuổi công việc này, chú đảm bảo cháu sẽ là người tiên phong nghiên cứu của vùng đất này về mỹ thuật dân gian đấy”.
Thế là những đợt sau, dù không còn vai trò trưởng đoàn bởi phải đi Bungary bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng ông vẫn gửi thư vào cho ông Trịnh Kim Sung-Giám đốc Sở Văn hóa Gia Lai-Kon Tum yêu cầu trưng tập tôi tiếp tục làm phần việc còn lại về mỹ thuật dân gian Tây Nguyên. Năm 1995, tôi được kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và chính ông đã đề xuất tôi thay nhạc sĩ Phạm Cao Đạt (đã mất) làm Chi hội trưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Kon Tum. Vì vậy mà nhiều lần tôi đi dự hội nghị được gặp và trao đổi với ông một cách chân tình và thẳng thắn.
Giờ thì Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh-Cựu Chủ tịch hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã rời xa cõi tạm, rời xa đồng nghiệp, học trò và những người đam mê sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian cả nước...
Xin thành kính tri ân và thắp một nén nhang lòng hòa chung với những tấm lòng tri ân cả nước gửi đến Thầy.