Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Thế giới nợ Việt Nam lời xin lỗi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi Campuchia chuẩn bị kỷ niệm 40 năm giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc cũng kết thúc với phán quyết rất rõ ràng: Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng
ECCC hôm 16-11-2018 đã tuyên án chung thân đối với 2 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ là Nuon Chea, nguyên chủ tịch Quốc hội Campuchia Dân chủ và Khieu Samphan, nguyên chủ tịch nước. Trước đó, năm 2014, Nuon Chea (92 tuổi) và Khieu Samphan (87 tuổi) đã nhận án tù chung thân vì các tội ác chống lại loài người. Tổng hợp hình phạt của 2 tên này là chung thân. Lần này, ECCC và công lý đã chiến thắng hoàn toàn khi chỉ thẳng tội ác của Khmer Đỏ là diệt chủng.
Chiến thắng của công lý và chân lý
"Phán quyết này là một sự kiện lịch sử đối với ECCC, cho Campuchia, cho thế giới và cho cả công lý quốc tế" - ông Pheaktra, người phát ngôn ECCC, tuyên bố. Đây là lần đầu tiên các lãnh tụ Khmer Đỏ bị ECCC tuyên phạm tội diệt chủng.
 
Các cựu binh Việt Nam trở lại thăm chiến trường xưa. Ảnh: NHI DŨ
Đến nay, ECCC chỉ mới đưa 5 lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ ra xét xử một cách rất khó khăn. Quá trình thụ lý quá lâu nên 2 bị cáo lớn tuổi là Ta Mok và Ieng Sary đã chết trước khi tòa tuyên án. Tay đồ tể Pol Pot chết năm 1998 ở tuổi khoảng 70, còn Ieng Sary qua đời năm 2013 ở tuổi 87 trước khi lãnh án.
Trong khi đó, Ieng Thirith - bộ trưởng xã hội, vợ ngoại trưởng Khmer Đỏ Ieng Sary - chết tại Pailin năm 2015. Thirith được trả tự do năm 2012 do bệnh tật, dù vẫn chịu sự giám sát pháp lý của ECCC cho đến khi qua đời. Vợ chồng Ieng Sary bị bắt năm 2007.
Một tập đoàn diệt chủng đã bị đền tội, công lý và chân lý thuộc về nhân dân Campuchia. Và những thế lực, những quốc gia từng ủng hộ Khmer Đỏ nợ Việt Nam một lời xin lỗi khi mà trong suốt thời gian dài đã hà hơi tiếp sức, viện trợ để nuôi sống thây ma Pol Pot.
Ai đã ủng hộ Pol Pot?
Tháng 5-2015, The Phnom Penh Post đăng bài báo có tựa đề: "The Pol Pot dilemma", cho thấy ai từng hà hơi tiếp sức cho Pol Pot, ngoài thế lực đứng sau mà nhiều người đã biết.
Bài báo chỉ rõ một kho tư liệu hơn 500.000 bức điện tín ngoại giao Mỹ từ năm 1978 do WikiLeaks công bố, cho thấy Mỹ bị giằng xé giữa nỗi khiếp sợ sự tàn bạo của chính quyền Pol Pot và sự lo ngại về ảnh hưởng của Việt Nam nếu Pol Pot sụp đổ. Cuối cùng, Mỹ ủng hộ Khmer Đỏ!
Các bức điện tín cũng cho thấy sự phủ nhận quyết liệt của các quan chức Trung Quốc trước cáo buộc của Mỹ về các vụ tàn sát do Khmer Đỏ thực hiện. Khi ấy, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Chai Tse-Min đã nói với Thượng nghị sĩ John Sparkman: "Báo cáo về các vụ giết người hàng loạt ở Campuchia là không đúng sự thật"!
Thực tế chỉ rõ Mỹ (Tổng thống J. Carter) và Anh (Thủ tướng Thatcher) đã hơn 10 năm ủng hộ Pol Pot. Chỉ trong 6 năm, từ 1980 đến 1986, Mỹ đã tài trợ cho Pol Pot gần 85 triệu USD và kêu gọi Trung Quốc ủng hộ hơn nữa cho Khmer Đỏ.
Cũng theo bài báo trên, tất cả các đại sứ Mỹ tại Lào, Malaysia, Thái Lan đều không có thông tin đúng về Khmer Đỏ. CIA và các nhóm tình báo khác thân Mỹ lập cái gọi là "Nhóm cấp cứu cho Campuchia" - hàng triệu USD đổ vào Thái, chuyển cho Pol Pot.
Bà Thatcher còn cho lực lượng đặc biệt (SAS) huấn luyện lính Pol Pot trên đất Thái. Nhiều loại mìn của Anh đã qua Ai Cập, đổi nhãn mác rồi chuyển cho Pol Pot… Thông tin này đều được đăng trên tờ The Guardian sau đó với tựa đề "Việc huấn luyện của SAS là một chính sách phạm tội, vô trách nhiệm và đê tiện".
Thực tế ở chiến trường Campuchia, những phương tiện, khí tài chiến tranh mà bộ đội ta thu được gắn nhãn mác nước ngoài đã chỉ mặt kẻ nào từng ủng hộ chế độ Pol Pot.
Bên mộ tên đồ tể
Tháng 8-2018, người viết bài này trở lại chiến trường xưa, thăm đền Preah Vihear và đến Alongven - nơi có ngôi mộ tên đồ tể Pol Pot. Cảm giác bên mộ Pol Pot rất khó tả, vừa rờn rợn vừa có cái gì đó như chuẩn bị một trận chiến và tự nhiên, theo quán tính của người lính, ngón tay cò súng của tôi như sẵn sàng...
Năm 1989, bộ đội Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Pol Pot từ chối hợp tác với Chính phủ Liên hiệp và đến năm 1996, Khmer Đỏ đã dần tan rã.
Pol Pot ra lệnh hành quyết Son Sen - cánh tay phải của y và 11 thành viên trong gia đình vào ngày 10-6-1997 vì Son Sen muốn hòa giải với Chính phủ Liên hiệp. Sau đó, Pol Pot bị quân chính phủ truy đuổi và bị lãnh đạo Khmer Đỏ lúc này là Ta Mok bắt giữ. Sau đó, y ra tòa của Khmer Đỏ, bị kết án quản thúc tại gia suốt đời.
Tháng 4-1998, bị quân chính phủ truy đuổi, Ta Mok chạy vào rừng đem theo tù nhân Pol Pot. Ngày 15-4-1998, Pol Pot chết. Đến tháng 3-1999, lãnh đạo cuối cùng của nhóm phiến quân này là Ta Mok cũng bị bắt.
Tập đoàn Khmer Đỏ cáo chung trong sự căm phẫn của cả thế giới. 
Tại sao họ tài trợ Khmer Đỏ?
Năm 2012, khi Tòa án quốc tế xử Ta Mok, luật sư của hắn phát biểu: "Mọi người ngoại quốc liên quan phải được gọi ra trước tòa. Sẽ không có ngoại lệ: M. Albright (nguyên Ngoại trưởng Mỹ), M. Thatcher (nguyên Thủ tướng Anh), H. Kissinger (nguyên cố vấn an ninh Mỹ) và J. Carter, R. Reagan, G.Bush (các đời tổng thống Mỹ)…, chúng tôi sẽ mời họ tới tòa để nói cho thế giới biết rằng tại sao tài trợ cho Khmer Đỏ".
 
Nuon Chea (trái) và Khieu Samphan tại phiên tòa lịch sử của ECCC ngày 16-11-2018.  Ảnh: REUTERS

Các nhân vật mà luật sư của Ta Mok gọi tên đã nói lên thực tế rằng họ đã ủng hộ chế độ diệt chủng Pol Pot. Họ - có người nay đã mất - có dám ra trước tòa không, để thế giới biết ai đã ủng hộ chế độ diệt chủng? Tất cả cho thấy "thế giới văn minh" đã nợ Việt Nam một lời xin lỗi.

Lưu Nhi Dũ (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm