Sáng 26-4, hàng trăm phương tiện ô tô bắt đầu di chuyển trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cả hai chiều, giao thông thông thoáng.
Đường lớn đã mở
Theo ghi nhận, dù đơn vị khai thác thông báo sẽ cho xe lưu thông từ 7 giờ sáng nhưng trước đó vài giờ, ô tô đã được phép vào đường cao tốc. Từ hướng phía Nam hầm Núi Vung (xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), nhiều ô tô lần lượt lưu thông qua hầm theo hướng TP HCM - Ninh Thuận.
Giao thông trong hầm Núi Vung diễn ra thông suốt nhờ được trang bị hạ tầng hiện đại, các phương tiện lưu thông tuân thủ quy định. Tại các nút giao trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, phương tiện di chuyển thuận lợi. Ông Nguyễn Bảy, một tài xế xe tải, cho biết nhận được tin tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe sáng nay, ông cho xe chạy thử vào đầu giờ. "Từ trước 6 giờ sáng tôi đã thấy nhiều ô tô được phép chạy trên cao tốc này. Đường sá thì thông thoáng nên di chuyển rất thuận lợi" - ông Bảy nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại trạm dừng nghỉ tạm của tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đặt tại tại Km113, đoạn qua địa bàn huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, sáng 26-4, các công nhân vẫn đang thi công một số khâu cuối. Nhà vệ sinh cũng đã kịp hoàn thiện trong ngày để phục vụ nhu cầu của người dân.
Dự án đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), với kinh phí 8.925 tỉ đồng. Dự án được khởi công ngày 30-9-2021, dự kiến tổ chức khánh thành công trình vào chiều 28-4-2024. Tuyến cao tốc này cho phép lưu thông với tốc độ tối đa 90 km/giờ, sử dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) cùng đội ngũ quản lý vận hành đồng bộ toàn tuyến. Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,25 km, giai đoạn 1 sử dụng một ống hầm lưu thông hai chiều. Camera giám sát lắp đặt dọc tuyến sử dụng công nghệ AI để phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện, cảnh báo sự cố và vi phạm như chạy quá tốc độ, đi sai làn, ngược chiều…
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe, mở ra xung lực phát triển vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên |
Cơ hội cho toàn vùng
Với việc thông xe đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tuyến cao tốc TP HCM - Nha Trang đã được khép kín, với thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 5 giờ. Năm đoạn cao tốc kết nối TP HCM với khu vực Nam Trung Bộ đã được thi công hoàn thiện, gồm: TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55,7 km, Dầu Giây - Phan Thiết 99 km, Vĩnh Hảo - Phan Thiết 101 km, Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78 km và Nha Trang - Cam Lâm hơn 49 km.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đưa vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết nối các tỉnh Nam Trung Bộ với TP HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. "Có thể thấy đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành sẽ rút ngắn về khoảng cách (280 km so với 350 km) và thời gian từ Ninh Thuận đến TP HCM từ 3,5 giờ đến 4 giờ (thay vì đi trung bình 7 - 8 giờ như hiện nay). Việc này sẽ tận dụng được lợi thế so sánh của vùng, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế Ninh Thuận, nhất là trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics..." - ông Lê Huyền nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, bên cạnh lĩnh vực du lịch được hấp thụ lợi thế thì cao tốc từ Nha Trang đến TP HCM hoàn thành còn thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động vận tải thông suốt, góp phần rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển từ tỉnh Ninh Thuận TP HCM và ngược lại. Ngoài ra, việc đưa vào khai thác cảng tổng hợp Cà Ná gắn với vận tải biển, cảng cạn và trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa giữa TP HCM với Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên sẽ góp phần mở ra hướng phát triển mới cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo cơ hội cho tỉnh trong đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tuyến cao tốc TP HCM - Khánh Hòa liền mạch sẽ thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, đưa Nha Trang tiếp cận gần hơn với khu kinh tế trọng điểm phía Nam. "Tuyến cao tốc hoàn thiện mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, du lịch, vận tải..., từ đó sẽ kết nối, phát tiển hạ tầng khu vực về giao thông và các lĩnh vực khác" - ông Trần Hòa Nam nói.
Nhận định về sự kiện trên, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho rằng tuyến cao tốc kết nối TP HCM - Nha Trang hoàn thiện vừa mở ra cơ hội cũng vừa là thách thức. "Việc đi lại thuận lợi sẽ tạo ra lợi thế nhất định ở những nơi có đường cao tốc đi qua. Du khách di chuyển dễ dàng hơn đồng nghĩa sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Các địa bàn làm du lịch phải tạo ra những sản phẩm mới, nâng cấp dịch vụ du lịch, lưu trú, mở ra các loại hình độc đáo để giữ chân du khách" - ông Nguyễn Minh nói.
Thu phí từ ngày 2-5
Các phương tiện lưu thông 2 chiều trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo từ ngày 26-4 sẽ không tốn phí. Sau đó, từ ngày 2-5, dự kiến đơn vị vận hành tuyến đường sẽ tổ chức thu phí.
Trên tuyến có 4 trạm thu phí gồm Cam Thịnh (tỉnh Khánh Hòa), Du Long, Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) và nút giao Vĩnh Hảo (tỉnh Bình Thuận).