(GLO)- Với mục tiêu đổi mới phương thức canh tác bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cho các mặt hàng chủ lực ở các vùng trong cả nước, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã mang lại niềm vui cho nhiều nông dân khi hai ngành hàng chủ lực là lúa gạo và cà phê đã được hỗ trợ để nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững được Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư cùng tham gia hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành cả về nguồn vốn, kiến thức và kinh nghiệm quản lý. Dự án được triển khai thực hiện tại 13 tỉnh, thành trong cả nước với hai ngành hàng chủ lực là lúa gạo tại 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và phát triển cà phê bền vững tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Tham gia dự án, 69.000 ha cà phê của 63.000 hộ nông dân được tiếp cận áp dụng những biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, góp phần tăng lợi nhuận thêm 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh.
Chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: N.D |
Tại Gia Lai, dự án thực hiện hợp phần phát triển cà phê bền vững tại 26 xã, thị trấn của 3 huyện Đak Đoa, Chư Prông và Ia Grai. Đến nay đã có 12.890 nông dân tham gia ở 30 tổ sản xuất với diện tích đăng ký sản xuất cà phê bền vững là 15.679 ha và khoảng 3.264 ha cà phê dự kiến sẽ được tái canh trồng mới. Chị Nguyễn Thị Thương (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cho hay: Gia đình tôi có hơn 2 ha cà phê đã thu hoạch từ nhiều năm nay. Do năng suất thấp, muốn tái canh trồng mới cần phải có nguồn vốn lớn, vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án này để tiếp cận thêm nguồn vốn đầu tư tái canh cho vườn cà phê của mình đạt năng suất cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho hay: Toàn huyện Chư Prông hiện có 13.300 ha cà phê, trong đó nhiều diện tích trồng từ năm 1995 đến nay đã già cỗi, năng suất thấp cần phải tái canh, cải tạo lại để nâng cao năng suất và sản lượng. Những năm qua, bằng nhiều nguồn hỗ trợ giống cà phê khác nhau, người dân cũng đã thực hiện tái canh vườn cà phê của gia đình. Trong năm 2016, ngoài 72.000 cây cà phê giống do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên hỗ trợ theo hình thức hỗ trợ 50% giá trị cây giống cho người dân trồng tái canh với diện tích 72 ha, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững bắt đầu triển khai tại 8 xã, thị trấn có diện tích cà phê lớn trên địa bàn huyện. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang tập trung lựa chọn, xây dựng mô hình tái canh bền vững tại các xã Ia Phìn, Ia Drăng, Bàu Cạn và thị trấn Chư Prông. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đang triển khai chương trình vay vốn tái canh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê trên địa bàn. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, toàn huyện sẽ thực hiện tái canh khoảng 2.000 ha, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng cà phê trên địa bàn.
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã bắt đầu triển khai thực hiện và người trồng cà phê đang rất kỳ vọng vào những mục tiêu mà dự án đề ra. Ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Gia Lai cho biết: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đi vào hoạt động là động lực mới cho người trồng cà phê các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Đây là cơ hội để nông dân tiếp tục thực hiện việc tái canh nâng cao năng suất, chất lượng của cây cà phê đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao thu nhập. Một trong những thuận lợi của dự án là nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Trong năm nay, Ban Quản lý dự án tập trung tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cà phê để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Nguyễn Diệp