Lần đầu tiên tại miền Trung, các bác sĩ đã ứng dụng siêu âm Doppler để hỗ trợ phẫu thuật vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh, mở ra thêm cơ hội điều trị vô sinh ở nam giới.
Ê kíp y, bác sĩ tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế ứng dụng siêu âm Doppler phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh cho bệnh nhân. ẢNH: N.N.M |
Sáng 30.4, Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế cho biết bệnh viện này vừa kiểm chứng kết quả thành công sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh (GTMTT) với sự hỗ trợ của kỹ thuật siêu âm Doppler ở một số bệnh nhân.
Đa số các bệnh nhân nam này đều có tuổi đời còn rất trẻ, phần nhiều đều dưới 30 tuổi nhưng muộn con, nguy cơ vô sinh do loạn tinh dịch đồ. Khi phát bệnh, bệnh nhân bị đau ở vùng bìu khiến bất tiện trong sinh hoạt, học tập, làm việc. Các bệnh nhân tái khám sau phẫu thuật đều cho kết quả tốt khi được kiểm tra bằng siêu âm mạch máu tinh hoàn và tinh dịch đồ.
Bệnh nhân gần đây nhất là anh T.V.Đ (24 tuổi, ngụ xã Thượng Long, H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế). Anh Đ. bị đau ở vùng bìu, loạn tinh dịch đồ, muộn con. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định anh Đ. bị GTMTT, chỉ định phẫu thuật vi phẫu. Gần đây anh Đ. tái khám thì tinh dịch đồ cải thiện khá tốt, vùng bìu cũng không còn đau.
Một bệnh nhân khác là anh N.H.Ng (24 tuổi, ngụ xã Thủy Vân, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Anh Ng. đang làm việc tại TP.HCM, bệnh GTMTT khởi phát từ năm 2019, sau đó ngày một trầm trọng hơn. Kết cục anh Ng. buộc phải nghỉ việc ở nhà vì quá đau ở vùng bìu. Mới đây sau khi trải qua ca phẫu thuật GTMTT tại bệnh viện, anh Ng. đã trở lại TP.HCM tiếp tục công việc.
Tiến sĩ - bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Nhật Minh (Khoa ngoại tiết niệu của Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế), người chủ trì ê kíp các ca phẫu thuật GTMTT, cho biết thừng tinh là một cấu trúc nuôi dưỡng tinh hoàn, trong thừng tinh chứa ống dẫn tinh, các mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh. GTMTT là khi các tĩnh mạch nằm trong thừng tinh bị giãn nở, trở nên lớn hơn và có thể nhận thấy bằng mắt thường.
GTMTT là bệnh lý khá phổ biến, thường xảy ra nhất ở tuổi thanh thiếu niên trở lên nhưng cũng có thể phát bệnh khi còn nhỏ. Bệnh không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thường ngày nhưng có nguy cơ gây vô sinh hay suy sinh dục do loạn dưỡng tinh hoàn.
Có đến 40% nam giới vô sinh do GTMTT. Để giúp xác định một cách chắc chắn các tĩnh mạch và động mạch thừng tinh trong quá trình phẫu thuật vi phẫu, các bác sĩ tiến hành áp dụng sử dụng siêu âm Doppler.
“Dẫu mang tính hỗ trợ, nhưng ứng dụng siêu âm Doppler trong điều trị GTMTT lần đầu tiên được chúng tôi ứng dụng hy vọng sẽ góp phần bắt kịp xu hướng điều trị ở các nước tiên tiến trên thế giới; nâng cao chất lượng điều trị, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bệnh nhân”, TS Minh chia sẻ.
Theo Đình Toàn (Thanh Niên)