Chính trị

Tin tức

Thêm một nhân chứng trong vụ thảm sát làng tân lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Về vụ giặc Pháp thảm sát làng Tân Lập (nay là thôn 6, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) ngày 22-3-1947, trước đây, chúng ta xác định có 5 nhân chứng lúc đó còn sống sót gồm ông Hồ Thọ (SN 1918), ông Nguyễn Ngấn (SN 1927), bà Nguyễn Thị Tri (SN 1920), ông Nguyễn Cày (SN 1927) và ông Nguyễn Đẩu (SN 1925). Trong 5 nhân chứng thì có 4 người lần lượt quá vãng. Hiện chỉ còn cụ Nguyễn Ngấn, 90 tuổi, sức rất yếu. Chiều 5-2-2017, chúng tôi tìm và gặp bà Nguyễn Thị Thiện (ở hẻm 326/10/5 đường Hùng Vương, TP. Pleiku) là nhân chứng còn sống sót trong vụ thảm sát kinh hoàng nói trên.

Bà Nguyễn Thị Thiện. Ảnh: P.D.T

Bà Nguyễn Thị Thiện cho biết: Tên khai sinh của bà là Nguyễn Thị Lách, tên đi thoát ly tham gia kháng chiến chống Pháp là Nguyễn Thị Xuôi và tên trong giấy tờ và cũng là tên gọi hiện nay là Nguyễn Thị Thiện, sinh năm 1932. Sáng 22-3-1947, giặc Pháp gây ra vụ thảm sát ở làng Tân Lập. Lúc đó bà 15 tuổi, đang sinh sống yên lành với gia đình thì khoảng 6 giờ bà thấy quân đội Pháp bao vây và xông vào làng, bắt cả dân làng. Đầu tiên, chúng bắt và tra tấn ông Nguyễn Khu là Xã trưởng. Chúng cho rằng ông này “bắt cá hai tay”, vừa làm cho chính quyền thuộc Pháp, vừa làm cho Việt Minh nên không báo cáo cho chúng biết quân đội Việt Minh trú quân ở đây. Chúng tra tấn ông rất dã man. Ông Khu nói với chúng bằng tiếng Pháp: “Chúng mày bắn giết tao đi, chứ đừng tra tấn tao dã man như thế”. Chúng liền bắn chết ông Khu.

Khoảng 9 giờ cùng ngày, chúng lùa dân tập trung từng nhóm để bắn giết. Cả nhà bà Thiện có 9 người cũng bị bắt tập trung. Bà và người cô ruột chạy ra đám đất cày gần đó, nằm ngửa dưới rãnh cày, lấy hai tay cào đất phủ lên người nên mới sống sót. Sau khi giết sạch, đốt sạch, giặc Pháp lùa bắt cả bò, heo và lấy tài sản quý giá mang đi. Người chết thì chúng không cho chôn. Cha bà tham gia cách mạng ở địa phương cũng bị giết trong vụ thảm sát này nên cán bộ huyện cho bà đi thoát ly làm giao liên cho huyện An Khê. Đến năm 1949, trên đường đi công tác, bà bị địch bắt bỏ tù ở Nhà lao Pleiku. Trong thời gian ở tù, bà quen biết ông Nguyễn Đình (tên hoạt động cách mạng là Võ Văn Trí). Sau khi ra tù, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Đình và sinh sống tại Pleiku cho đến nay.

Bà Thiện cho biết: “Sở dĩ cha bà là Nguyễn Trác có bằng công nhận liệt sĩ và bà có Huân chương Kháng chiến hạng nhất là nhờ ông Lê Thanh Cảnh. Ông Cảnh quê ở Tú An (An Khê), nguyên là cán bộ của huyện An Khê trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông Cảnh đi tập kết ra Bắc. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông Cảnh có về Gia Lai công tác và tìm bà. Ông Cảnh có giúp bà làm hồ sơ, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền công nhận liệt sĩ cho cha bà và bà được tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà có về thăm lại những người còn sống sót trong vụ thảm sát đang sinh sống ở An Dân, Tân Tạo (nay thuộc xã Thành An, thị xã An Khê) và nhờ họ dựng bia mộ cho ông nội tại làng quê khi xưa. Khi biết tin huyện Kbang xây dựng nhà bia tưởng niệm dân làng Tân Lập bị thảm sát, bà muốn về lại làng cũ nhưng sức khỏe không đảm bảo. Tuy vậy, hình ảnh giặc Pháp gây ra vụ thảm sát dã man bà con làng Tân Lập luôn ám ảnh trong tâm trí bà.

 Phan Duy Tiên

Có thể bạn quan tâm