Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Thêm một vệ tinh của VN sắp lên quỹ đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những chiếc vệ tinh Made in VietNam sẽ lần lượt được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2018 và đầu năm 2020.
Nhiều vệ tinh khác cũng đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phát triển nhằm hiện thực hóa giấc mơ làm chủ không gian.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang trong những giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho việc phóng vệ tinh Microdragon lên không gian vào cuối năm 2018. Theo dự kiến, Microdragon sẽ được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa tại bãi phóng thuộc nhóm đảo Kyushu và Okinawa ở phía nam Nhật Bản.
 
Các kỹ sư phát triển bên cạnh mô hình tỷ lệ 1:1 của vệ tinh MicroDragon. Ảnh: Trọng Đạt
Các kỹ sư phát triển bên cạnh mô hình tỷ lệ 1:1 của vệ tinh MicroDragon. Ảnh: Trọng Đạt
MicroDragon là vệ tinh có kích thước 50x50x50 cm, nặng 50kg và hoạt động ở quỹ đạo 500km. MicroDragon sẽ sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp hoàn toàn bởi pin mặt trời. Thời gian hoạt động dự kiện của MicroDragon là từ 2-5 năm.
Kinh phí để tạo ra một vệ tinh cỡ MicroDragon là trên 5 triệu USD. Đây là thành quả nghiên cứu bởi chính đội ngũ kỹ sư và các nhà khoa học trong nước.
Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất vệ tinh
Sản xuất vệ tinh là một lĩnh vực vẫn còn rất mới tại Việt Nam. Trong nước hiện vẫn chưa có bất kỳ một cơ sở đào tạo kỹ sư sản xuất vệ tinh nào cả. Do vậy, để có được một đội ngũ kỹ sư giỏi về chuyên môn, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã cử nhiều đoàn công tác sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm. Tổng cộng, đã có 3 đoàn kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản với mỗi đợt kéo dài tới 2 năm.
Sau khi được chuyển giao công nghệ, những kỹ sư này quay trở lại Việt Nam để tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất vệ tinh. MicroDragon chính là sản phẩm ra đời bởi sự hợp tác đó.
 Vệ tinh MicroDragon sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp bởi những tấm pin mặt trời với công suất phát lớn nhất của pin là 140W. MicroDragon được trang bị nhiều camera quang học với nhiệm vụ chính là chụp ảnh nhằm phân tích sự thay đổi của môi trường biển.
Vệ tinh MicroDragon sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp bởi những tấm pin mặt trời với công suất phát lớn nhất của pin là 140W. MicroDragon được trang bị nhiều camera quang học với nhiệm vụ chính là chụp ảnh nhằm phân tích sự thay đổi của môi trường biển.
Cách đây 5 năm, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từng phóng thành công một vệ tinh khác với tên gọi PicoDragon. Đây là sản phẩm đầu tay của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. PicoDragon được tạo ra với mục đích chụp ảnh vệ tinh và đo đạc thông số môi trường vũ trụ. Do là sản phẩm thử nghiệm, tuổi thọ của vệ tinh này chỉ có 3 tháng sử dụng.
Chia sẻ với VietNamNet, một kỹ sư đang làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, mỗi vệ tinh là tổng hợp của rất nhiều các công nghệ khác nhau, do đó nó phải được thiết kế và chế tạo một cách vô cùng đặc biệt.
Vệ tinh đầu tiên được phóng với mục đích chính để thử nghiệm khả năng hoạt động và phát tín hiệu, tuy nhiên, với vệ tinh thứ 2 là MicroDragon thì khác. Các thiết bị viễn thám trên MicroDragon sẽ giúp vệ tinh này có thể chụp hình ảnh từ không gian, từ đó theo dõi được chất lượng nước biển ven bờ.
 Dữ liệu thu được từ ảnh chụp vệ tinh sẽ được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam xử lý trước khi tiến hành thương mại hóa.
Dữ liệu thu được từ ảnh chụp vệ tinh sẽ được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam xử lý trước khi tiến hành thương mại hóa.
Hình ảnh chụp từ MicroDragon sau đó sẽ được truyền về trung tâm xử lý dưới mặt đất. Sau khi thu nhận tín hiệu, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ khai thác và tiến hành thương mại hóa các dữ liệu đó.
Lấy ví dụ về điều này, vị chuyên gia của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: “Các tỉnh thành có thể mua ảnh vệ tinh do MicroDragon cung cấp để kiểm tra vùng nước biển của họ có ô nhiễm hay không? có đảm bảo chất lượng để nuôi trồng thủy hải sản hay không?”.
Ảnh vệ tinh gửi về thường chỉ là ảnh thô, phải trải qua rất nhiều bước xử lý khác nhau mới có thể khai thác thông tin từ đó. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ xử lý theo nhiều mức khác nhau cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu
“Giá dữ liệu ảnh vệ tinh sẽ phụ thuộc vào mức dữ liệu mà bạn muốn nhận là bao nhiêu”, vị chuyên gia của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chia sẻ.
Không dừng lại ở MicroDragon
Theo các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Nhật Bản đang có tham vọng xây dựng một liên minh về hàng không vũ trụ, tương tự như Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency - ESA).
Người Nhật đang phát triển lớp vệ tinh tương tự như Micro Dragon. Do chi phí để tạo ra vệ tinh micro rất rẻ, Nhật đang huy động nguồn lực từ các nước khác và hỗ trợ để những nước này có thể tự phát triển vệ tinh của riêng mình. Mục tiêu của Nhật là tạo thành một mạng lưới vệ tinh micro tại nhiều nước khác nhau và Việt Nam là một trong số đó.
Đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao các kiến thức tiên tiến về công nghệ sản xuất vệ tinh. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm rất nhiều năm nghiên cứu thay vì tự mình phát triển từ con số 0 tròn trĩnh.
Mô hình tỷ lệ 1:1 của vệ tinh NanoDragon. Vệ tinh này được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dự định phóng lên quỹ đạo vào đầu năm 2020.
Mô hình tỷ lệ 1:1 của vệ tinh NanoDragon. Vệ tinh này được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dự định phóng lên quỹ đạo vào đầu năm 2020.
Vào đầu năm 2020, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ tiếp tục phóng lên không gian vệ tinh thứ 3 với tên gọi NanoDragon. Nhiệm vụ của vệ tinh này là tiến hành nhận dạng tự động tàu thuỷ thông qua hệ thống AIS (Automatically Identification System).
Để làm được điều này, NanoDragon được tích hợp một bộ cảm biến giúp thu nhận tín hiệu của các phương tiện đang đi lại trên biển, qua đó, người điều khiển biết được có bao phương tiện đang di chuyển trên biển theo thời gian thực.
Tiếp theo MicroDragon và NanoDragon, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ phát triển một lớp vệ tinh khác với tên LOTUSat. Lớp vệ tinh này sẽ gồm 2 vệ tinh là LOTUSat-1 và LOTUSat-2.
Chia sẻ thêm về điều này, vị chuyên gia của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, cả PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon đều sử dụng camera quang học. Công nghệ camera này có một nhược điểm là không chụp được vào buổi tối và trong điều kiện thời tiết có mây mù.
LOTUSat sẽ không sử dụng camera quang học mà dùng công nghệ radar. Nhờ vậy, vệ tinh có thể chụp được ảnh cả ban ngày và ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Việt Nam nằm trong khu vực có lượng mây bao phủ lớn. Do đó, việc kết hợp giữa ống kính quang học của nhóm vệ tinh trên và công nghệ radar của LOTUSat sẽ giúp mang lại nhiều thông tin chính xác hơn.
Trọng Đạt (VIE)

Có thể bạn quan tâm