Thời tiết

Theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão ngày 25 hoặc 26/10; hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn từ ngày 27-30/10 tại khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế với lượng mưa được dự báo khoảng 200-350mm.

 Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền ứng phó với thiên tai.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới sáng 25/10 tại Hà Nội.

Đảm bảo an toàn trên biển và đất liền

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tăng cường theo dõi, thông tin cho các tàu thuyền biết về vị trí, hướng đi, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để ngư dân, chủ tàu biết di chuyển vào nơi tránh trú.

Lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện việc bắn pháo hoa để cảnh báo cho các tàu thuyền hoạt động tại khu vực nguy hiểm di chuyển tới nơi an toàn.

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện việc đảm bảo an toàn giao thông, nhất là các khu vực đã xảy ra ngập sâu như Quảng Ngãi, Quảng Nam... Lực lượng công an tăng cường nhân lực, phương tiện thực hiện việc phân luồng giao thông đảm bảo an toàn.

Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh hiện nay, qua nhiều đợt mưa lớn, nước ngấm vào đất gây bão hòa, tình trạng sạt lở đất xảy ra là hết sức nguy hiểm nhất là đối với các khu vực miền núi. Mặt khác, tới thời điểm này, các hồ chứa đã cơ bản đầy nước. Vì vậy, các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương, chủ hồ chứa kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đồng thời, các đơn vị liên quan và các địa phương dừng hết tất cả các công trình đang thi công. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương theo dõi sát, chỉ đạo việc vận hành hồ chứa thủy điện kịp thời, đúng quy định.

Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng Phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết tính đến 6 giờ ngày 25/6, lực lượng bộ đội biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn 49.191 phương tiện/261.324 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Hoạt động khu vực giữa Biển Đông và Bắc quần đảo Trường Sa gồm 486 phương tiện/5.896 người đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và di chuyển trú tránh; hoạt động vùng biển khác là 7.587 phương tiện/40.855 người, neo đậu tại các bến 41.118 phương tiện/ 214.573 người.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão trong ngày 25 hoặc 26/10. Ngoài ra, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn từ ngày 27-30/10 tại khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế với lượng mưa được dự báo khoảng 200-350mm.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến hết ngày 24/10, tại Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm một người chết, ba người mất tích do nước lũ.

Về nông nghiệp, tỉnh có 162,39ha lúa, ngô; 152,5 ha thủy sản bị thiệt hại, 11 tấn lương thực bị ướt, 2.811 con gia súc, gia cầm bị chết. Cùng với đó, tại huyện Bình Sơn, 11.038 nhà bị ngập có mức ngập từ 0,5-0,7m; 2.564m kênh mương bị sạt lở; 3 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp; sạt lở 160m bờ sông; 34 vị trí bị sạt lở tại đường Quốc lộ với tổng khối lượng sạt lở 3.754m3; 95 vị trí bị sạt lở tại đường tỉnh, huyện, xã; 5.500m2 mặt đường bị hư hỏng.

Tỉnh Quảng Nam có 5.373 nhà bị ngập thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh; thành phố Tam Kỳ và thành phố Hội An (mức ngập từ 0,3-1,0m) và 442,85ha rau màu bị thiệt hại.

 

 Sơ đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sơ đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lũ trong mấy ngày qua đã cuốn trôi 30m đường ray xe lửa nằm ở khu vực giữa thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên và thôn Đông Bình, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Tại hiện trường, toàn bộ nền đất, đá bị cuốn trôi hoàn toàn, chỉ còn lại bộ khung đường ray bằng sắt. Bên cạnh đó, một số điểm dọc tuyến đường sắt đoạn qua Bình Sơn cũng bị nước lũ gây xói lở, hở hàm ếch sâu vào bên trong.

Tại làng Tắc Pỏ, thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), sạt lở đã xảy ra vào khu vực nhà bếp của 3 hộ dân, rất may là không gây thiệt hại về người. Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My đã tổ chức di dời 6 hộ với 23 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế sạt lở 40m đường liên thôn ở Phong Mỹ, Phong Điền; sạt lở đường thôn Tân An, Lộc Bình, Phú Lộc; sạt lở 55m quốc lộ 1A tại K12+900.

Theo Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm