Kinh tế

Thị trấn Chư Sê: Hướng đến đô thị loại IV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chư Sê (Gia Lai) lần thứ VIII là mở rộng và nâng cấp thị trấn Chư Sê thành đô thị loại IV. Đó cũng là quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Chư Sê để làm cơ sở cho việc xây dựng thị xã vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu trên, thị trấn Chư Sê đã và đang triển khai hàng loạt dự án về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.

Từ các công trình trọng điểm

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chư Sê khóa VII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Chư Sê khóa V, những năm qua, thị trấn Chư Sê đã nỗ lực vươn lên thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; thu ngân sách đạt khá, đảm bảo cho các nguồn chi phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Sự nghiệp văn hóa-xã hội được quan tâm theo hướng xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thông tin. Công tác xây dựng thôn, làng, tổ dân phố, công sở, gia đình văn hóa được đẩy mạnh. Công tác xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư đạt được kết quả đáng khích lệ (tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,9%). Quốc phòng-an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường và củng cố…

Một góc thị trấn Chư Sê. Ảnh: Đ.T
Một góc thị trấn Chư Sê. Ảnh: Đ.T
Trong số 4 tiêu chí để trở thành một đô thị loại IV như: Dân số, cơ cấu kinh tế-xã hội, bình quân thu nhập đầu người và hạ tầng đô thị thì thị trấn Chư Sê được đánh giá đã cơ bản đạt 3 tiêu chí đầu, chỉ còn hạ tầng đô thị đang là khâu cần đầu tư thêm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII cũng đặt mục tiêu phấn đấu mở rộng và nâng cấp thị trấn Chư Sê thành đô thị loại IV trong năm 2013 để làm cơ sở cho việc xây dựng thị xã vào năm 2015. Để thực hiện mục tiêu trên, ông Trần Đức Thoan- Huyện ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê cho biết: Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã đặt nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị làm mục tiêu phấn đấu quan trọng và có sự quan tâm đúng mức, nhân dân các dân tộc trên địa bàn cũng đồng thuận tạo mọi điều kiện và cùng chung sức thực hiện. Trong 5 năm gần đây, công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị được thực hiện có hiệu quả; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng ở các cụm làng, tổ dân phố, thị trấn, diện mạo một đô thị trẻ đã dần hình thành…


Sự phát triển về kinh tế-xã hội đã đem lại những cú hích quan trọng trong việc xây dựng và chỉnh trang diện mạo, cảnh quan của thị trấn Chư Sê. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, nguồn vốn huy động và tập trung cho chương trình phát triển đô thị của thị trấn đã đạt trên 20 tỷ đồng/năm. Năm 2010 và 2011, vốn ngân sách nhà nước và các nguồn đầu tư có mục tiêu đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như: Trường học, công viên, nhà thi đấu đa năng, đường giao thông…

Ngoài ra, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ và nhân dân đóng góp đã xây dựng được 31,9 km đường nhựa ở vùng ven đô và nội thị với tổng kinh phí 12,7 tỷ đồng; mở rộng và xây dựng vỉa hè (dài 4,682 km) với tổng kinh phí 21,493 tỷ đồng; xây dựng chợ phía Bắc thị trấn với nguồn vốn 6,16 tỷ đồng; xây dựng 2 cổng chào bằng đèn điện tử 2,88 tỷ đồng; và đầu tư 11,2 tỷ đồng để xây dựng Công viên Kpă Klơng. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước đô thị, hệ thống chiếu sáng và xử lý rác thải cũng được chú trọng đầu tư, hoàn chỉnh. Nhiều khu dân cư mới được hình thành, đáp ứng nhu cầu về nhà ở trong quá trình đô thị hóa. Tốc độ đô thị hóa ở dọc quốc lộ 14, quốc lộ 25 và các xã giáp ranh với thị trấn chuyển biến khá nhanh về mọi mặt.

Diện mạo của đô thị loại IV

Ông Lê Văn Minh-Trưởng ban Quản lý Công trình Đô thị và Vệ sinh Môi trường Chư Sê cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND huyện đã chủ trương tập trung thực hiện quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Nâng quy hoạch chung thị trấn Chư Sê từ 1.000 ha hiện nay lên 3.000 ha. Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển đổi vị trí một số cơ quan như: Hạt Kiểm lâm, Hạt Quản lý Đường bộ, Chi cục Thống kê… để lấy mặt bằng phục vụ cho các dự án thương mại. Khởi công hàng chục công trình từ đầu năm 2011 như mở rộng sửa chữa, lát vỉa hè và làm cống thoát nước các đường: Lê Duẩn, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh… Xây dựng chợ phía Bắc thị trấn, chợ xã Ia Blang, và tìm quỹ đất xây dựng chợ phía Nam thị trấn.

Thị trấn Chư Sê là địa bàn có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh. Trung tâm thị trấn có 2 tuyến quốc lộ 14 và quốc lộ 25 đi qua. Tổng diện tích tự nhiên là 2.800,42 ha, dân số 5.826 hộ với 26.250 nhân khẩu (trong đó có 776 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 3.832 khẩu, chiếm 15%) phân bố ở 27 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 14 tổ dân phố, 7 thôn, 6 làng đồng bào dân tộc thiểu số).
Định hướng kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020, thị trấn cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để thị trấn trở thành đô thị hạt nhân. Một số xã vùng ven được xây dựng thành thị trấn, thị tứ và là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ của các xã vùng sâu khác, là đầu mối giao thông, giao lưu trong huyện, tỉnh; đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các xã ngoại thị.
Điều nói trên cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Linh- Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, tại buổi làm việc của lãnh đạo huyện với thị trấn về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011: Thị trấn Chư Sê có lợi thế nhiều mặt, đã được công nhận là đô thị loại V để tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, phát triển. Vấn đề quan trọng ngay từ bây giờ, dựa trên cơ sở đã quy hoạch, thị trấn phải xác định được nội thị và ngoại thị để đầu tư như thế nào cho phù hợp.

Việc tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng không chỉ tạo cho đô thị Chư Sê một bộ mặt mới, mà điều quan trọng là từ nền tảng cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh sẽ là động lực lớn để thị trấn đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Cũng theo ông Trần Đức Thoan- Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê: Mặc dù thị trấn đã được công nhận đạt đô thị loại V, song hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cùng với những nỗ lực của chính địa phương, thị trấn rất cần sự quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn mục tiêu của ngân sách Trung ương và tỉnh để đến gần hơn với những mục tiêu mà Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đang phấn đấu.

Bích Nga

Có thể bạn quan tâm