Kinh tế

Thị trường bất động sản sẽ còn trầm lắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là nhận định của ông Lưu Văn Thanh-Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đánh giá thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Và Gia Lai không là ngoại lệ kể từ cuối năm 2009 nhưng đỉnh điểm là từ giữa năm 2011 đến nay.

Hiện các doanh nghiệp như Công ty FBS, VK Highland, Vinh Quang, HA.GL, Đức Long, Quốc Cường…, số lượng đất nền đang được tung ra với số lượng lớn, khoảng trên 2.000 lô. Hầu hết các nhà đầu tư đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Trước đây (từ năm 2009 đến cuối năm 2010), do nhu cầu ảo, giá đất bị đẩy lên quá cao.

 

Khu Đô thị Cầu Sắt sau nhiều năm triển khai vẫn ngổn ngang, dang dở. Ảnh: H.D
Khu Đô thị Cầu Sắt sau nhiều năm triển khai vẫn ngổn ngang, dang dở. Ảnh: H.D

Đến khi ngân hàng siết chặt tín dụng thì thị trường bất động sản xẹp xuống như bong bóng xì hơi, người bán bán không được, người mua mua không nổi. Bên cạnh đó, do thiếu vốn nên hàng loạt dự án bất động sản đang triển khai phải ngưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể thu hồi vốn, khách hàng không thể nhận nhà, công trình để lâu không có người sử dụng dần xuống cấp…

Với các nhà đầu tư thứ cấp không có khả năng để mua đất khi song hành cùng với “3 không”: không có tiền, không có nguồn vay, kinh doanh mua đi bán lại không hiệu quả. Trong khi đó, Nhà nước lại chủ trương ưu tiên giải quyết vốn vay cho các chương trình xây dựng nông thôn mới, người thu nhập thấp trong khu vực đô thị. Đại diện các ngân hàng đều thừa nhận, thực ra vẫn có thể tiếp cận được với vốn ngân hàng với điều kiện đó là khách hàng đủ năng lực về tài chính (mà số khách hàng này đếm trên đầu ngón tay) hoặc phải chịu lãi suất cao. Một phần nữa làm thị trường bất động sản giậm chân tại chỗ là công tác đền bù giải tỏa ở nhiều dự án triển khai quá chậm. Có dự án đền bù giải tỏa diễn ra sau 8 năm vẫn chưa xong (dự án Hoa Lư-Phù Đổng). Điều này vô hình trung đã làm mất cơ hội của nhà đầu tư.

Nhìn chung, dù là ở phân khúc nào, thị trường bất động sản vẫn đang… bất động. Theo đánh giá của các ngành chức năng cũng như của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đang nằm ở đáy. Theo dự báo, sự trầm lắng của thị trường này sẽ kéo dài đến hết năm 2013, có thể tới giữa năm 2014. Tuy vậy, có thể nói đây cũng là cơ hội vàng cho những người có tiền muốn kinh doanh bất động sản. Riêng các nhà đầu tư thì lời khuyên lúc này là nên cắt lỗ trước khi quá muộn.

Có một sai lầm là ai bước vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đều tin rằng giá nhà đất chỉ có tăng mà không bao giờ hạ, nên không ít người lúng túng và cảm thấy bi quan trước tình cảnh ảm đạm kéo dài suốt thời gian qua. Song thời thế cho thấy, đã chấp nhận “cuộc chơi” với bất động sản thì phải chuẩn bị tinh thần cho những lúc như thế này. Và trước mắt, bán cắt lỗ là một quyết định hết sức bình thường. Song cũng có ý kiến trái chiều rằng, giảm giá bất động sản coi như làm khó ngành sản xuất vật liệu xây dựng!

Tuy dự báo là vậy, song theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lưu Văn Thanh, tỉnh cũng cần có cơ chế mang tính chất đặc thù nhằm tạo cơ hội cho bất động sản tỉnh nhà. Như xem xét lại tiền thuế sử dụng đất cho các nhà đầu tư (có thể kéo dài thời hạn nộp thuế); gia hạn thêm thời gian đối với các dự án chậm tiến độ, thuế doanh nghiệp cũng nên giãn tiến độ. Chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng nhập cuộc tích cực hơn với công tác giải phóng mặt bằng. Và đối với những dự án không cần thiết thì điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp…

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm