Kinh tế

Thị trường Tết ở vùng sâu: Hàng hóa chờ người mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ảnh: Bách Hợp
Ảnh: Bách Hợp
Tết Nguyên đán đang đến gần hơn, nhu cầu mua sắm Tết ở các thành phố, thị xã dần “nóng” lên. Tuy nhiên, sức mua sắm ở vùng sâu vẫn chưa biến động lớn.
Các ngả đường ở TP. Pleiku, hàng hóa Tết trưng tràn ngập các cửa hàng, cửa hiệu. Một số cửa hàng, đại lý phân phối lớn như Hồng Nhung, Thùy Dung (đường Trần Phú), các sạp hàng trong khu Trung tâm Thương mại Pleiku… hàng hóa phục vụ Tết đã nhập về cách đây trên 1 tháng, và sức mua đang tăng.
Tuy nhiên ở các huyện, tình hình mua bán hàng Tết vẫn khá buồn tẻ, dù các cửa hàng đã bắt đầu trưng bày các mặt hàng Tết từ đầu tháng 11. Bà Nguyễn Thị Thu Ba- Giám đốc Siêu thị Vĩ Yên (807 Hùng Vương-thị trấn Chư Sê)-nơi cung cấp trên dưới 50% lượng hàng hóa của huyện, cho biết: “Siêu thị nhập và trưng hàng Tết từ đầu tháng 11. Hàng hóa chủ yếu là rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo và quần áo. Tuy nhiên, sức mua vẫn yếu ớt, chủ yếu là các doanh nghiệp, đơn vị mua làm quà tặng”. Cũng theo bà Thu Ba, quy luật mua sắm Tết tại Chư Sê thường dồn vào những ngày cận Tết, thường từ 20 tháng Chạp trở đi. Vì người dân lúc ấy mới xong việc đồng áng, công nhân cao su được nghỉ, nhận các khoản lương, thưởng… mới tập trung mua sắm Tết. Công chức nhà nước thường mua sắm sớm hơn một chút, vào các ngày lễ.
Các chủ đại lý cung cấp hàng hóa lớn tại khu vực trung tâm thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) cũng có những đánh giá tương tự. Theo họ, dù năm nay cà phê, cao su được giá nhưng người dân vẫn lo tập trung thu hoạch mùa màng, mua sắm Tết dành dịp cận Tết. Bà Liên- Chủ đại lý Liên Lý (chợ Đức Cơ) cho biết: Các cửa hàng chỉ dám nhập về sớm một số loại hàng “an toàn” như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo hộp…”. Cũng theo bà Liên, năm nay, các cửa hàng đều tăng lượng hàng phục vụ Tết, từ 10% đến 20%, cá biệt có đại lý tăng lên 30%, bởi theo lý giải, được mùa thì người dân cũng ăn Tết “hoành tráng” hơn.
Tâm lý chung ai cũng cho rằng gần Tết cái gì cũng sẽ đắt hơn ngày thường, việc đi lại, mua bán cũng vất vả hơn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ở vùng sâu, người tiêu dùng vẫn chưa vội vàng sắm Tết. Chị Mai Thị Lan (tổ dân phố 10-thị trấn Chư Sê- huyện Chư Sê), là công nhân Công ty Cao su Chư Sê, cho biết: “Phần là vì chưa biết lương thưởng cuối năm ra sao, phần vì Tết nào Công ty cũng cho quà nên công nhân chúng tôi cứ chờ còn thiếu những gì khi ấy mới mua”. Còn anh Lê Đình Thuật (thôn Lâm Tôk- xã Ia Dơk- huyện Đức Cơ) lại cho rằng: “Dù gì đi nữa thì cứ gần Tết hàng hóa mới phong phú, lúc ấy thoải mái chọn. Bây giờ mua sớm vẫn cứ cảm giác thiếu thiếu, sợ mua sớm chưa có hàng ngon nhất, đẹp nhất, thành thử không an tâm. Đợi gần Tết mua cho chắc”.  
Một tín hiệu đáng mừng là, người dân đã và đang chú ý nhiều hơn đến các thương hiệu bánh kẹo có tên tuổi, đảm bảo an toàn và chất lượng, như: Kinh Đô, Bibica, Hải Hà… Đời sống kinh tế ngày càng được nâng lên thì nhu cầu sử dụng hàng hóa Tết cũng có nhiều cải thiện.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm