Kinh tế

Tài chính

Thị trường vàng vẫn "ngóng" quy định mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá vàng SJC tiếp tục chênh lệch mức kỷ lục so với giá vàng thế giới trong khi thị trường vẫn đang chờ sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp với thực tế hơn.

Ngày 6-7, thị trường vàng thế giới ghi nhận phiên lao dốc mạnh khi rơi khỏi vùng hỗ trợ 1.800 USD/ounce và bị bán tháo. Cuối ngày, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.765 USD/ounce, "bốc hơi" gần 40 USD/ounce (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng/lượng). Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết chỉ khoảng 50 triệu đồng/lượng.

Vẫn chênh lệch mức kỷ lục

Trong khi đó, giá vàng trong nước giảm nhỏ giọt với mức giảm chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức giảm trên thị trường thế giới. Cuối ngày, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm ở 67,85 triệu đồng/lượng mua vào, 68,45 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 350.000 đồng/lượng so với hôm trước.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được ghi nhận giảm sâu hơn với mức giảm khoảng 600.000 đồng/lượng so với hôm trước. Theo đó, các loại vàng này giao dịch ở 52,5 triệu đồng/lượng mua vào, 53,45 triệu đồng/lượng bán ra.

Diễn biến trên tiếp tục khiến thị trường vàng trong nước "lạc lõng" so với thế giới. Giá vàng SJC vẫn ở mức chênh lệch kỷ lục so với thế giới khi cao hơn trên 18 triệu đồng/lượng, còn giá vàng trang sức cao hơn thế giới trên 3 triệu đồng/lượng.

Chủ một số tiệm vàng tại TP HCM cho hay nhu cầu mua vàng tăng khá mạnh những ngày qua, trong khi thị trường vắng bóng người bán khiến nguồn cung khan hiếm. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC hiện chỉ còn 600.000 đồng/lượng thay vì mức 1 triệu đồng/lượng như những ngày trước. Điều này phản ánh các tiệm vàng sẵn sàng mua vào vàng SJC giá cao nhưng không nhiều người bán.

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, nguồn vàng SJC đã bị khan hiếm trong thời gian qua do nguồn cung vàng trên thị trường chủ yếu nhờ mua đi bán lại. Đặc biệt, khoảng 2 tuần nay, khi giá vàng SJC xuống thấp và nhu cầu đối với loại vàng này cao hơn, tình trạng khan hiếm càng tăng lên. Diễn biến trên thị trường vàng trong nước khiến giá vàng thế giới dù giảm sốc trong phiên giao dịch ngày 6-7 nhưng giá vàng SJC không giảm tương xứng.

"Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng SJC nên nguồn cung từ kênh này không có. Nhu cầu vàng SJC ở thị trường đang cao nên chênh lệch càng khó thu hẹp nếu không có giải pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý là cho nhập khẩu vàng nguyên liệu về để tăng nguồn cung cho thị trường" - ông Trần Duy Phương nói.

Các chuyên gia đều nhận định rằng với nhu cầu mua vàng SJC, vàng trang sức, vàng nhẫn 24K thị trường đang tăng, nếu Ngân hàng Nhà nước không có động thái can thiệp, xu hướng gom USD nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng.


 

Cần sớm sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng trong nước không còn “lạc lõng” với thế giới. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần sớm sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng trong nước không còn “lạc lõng” với thế giới. Ảnh: Tấn Thạnh


Linh hoạt cấp hạn mức nhập vàng

Thị trường vẫn đang "ngóng" quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phù hợp với diễn biến thực tế. Bởi theo nhiều chuyên gia vàng, Nghị định 24 ra đời vào năm 2012 đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường vàng nhưng đến nay, một số quy định đã không còn phù hợp. Thị trường vàng trong nước đang "một mình một chợ" và nảy sinh nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là giá vàng SJC quá cao so với vàng thế giới, nói cách khác là thị trường trong nước không có sự liên thông với thị trường thế giới.

Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải cho hay trong 6 tháng đầu năm nay, có một số thời điểm giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới tới 18-20 triệu đồng/lượng. Đặt vấn đề tại sao các tổ chức kinh doanh vàng, tiệm vàng sẵn sàng mua vàng giá cao nhưng người dân và tổ chức nắm giữ vàng vẫn không bán ra, chuyên gia Trần Thanh Hải cho rằng đã đến lúc cần xem lại quy định trong Nghị định 24.

"Việc độc quyền, sản xuất gia công vàng SJC của Ngân hàng Nhà nước (Công ty SJC là đơn vị được ủy quyền) dù có những điểm tích cực song đã bộc lộ bất cập. Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cho rằng do giá vàng SJC quá cao nên một số tổ chức kinh doanh vàng cũng áp giá vàng trang sức 24K ở mức cao, khiến người tiêu dùng bị thiệt" - ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đề xuất sửa Nghị định 24 theo hướng có thể vẫn giữ thương hiệu vàng quốc gia là SJC, đồng thời bổ sung một số thương hiệu khác nếu đáp ứng về trọng lượng, chất lượng… Điều này giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm vàng miếng hơn, từ đó tạo điều kiện cho nhà đầu tư giao dịch dễ dàng hơn cũng như giúp giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

"Nên có cơ chế linh hoạt để các doanh nghiệp được cấp hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức trong từng thời điểm cho phù hợp. Hoặc, có hạn mức trần cho phép để vừa duy trì thị trường ổn định vừa giúp cơ quan quản lý vẫn kiểm soát được thị trường. Điều này nhằm tránh cơ chế "xin - cho" khi thị trường biến động quá lớn" - chuyên gia Phan Dũng Khánh đề xuất.

Trả lời các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua xung quanh các vấn đề của thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định cơ quan quản lý nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều nên Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp. "Chỉ trong trường hợp cần thiết mới nhập khẩu vàng để can thiệp" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Theo THÁI PHƯƠNG (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm