Kinh tế

Tài chính

Thị trường Việt Nam hấp dẫn nhiều quỹ đầu tư lớn thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tối qua 16.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp một số lãnh đạo tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư tại New York.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp trao đổi về những kinh nghiệm hoạt động, các góp ý, đề xuất với phía Việt Nam.

Hạ tầng, chuyển đổi số hút nhà đầu tư

Ông Joseph Bae, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Kolhberg Kravis Robert (KKR), cho biết Quỹ mong muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, chuyển đổi số, lương thực, hàng tiêu dùng, công nghệ… tại Việt Nam.

Ông đánh giá Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn nhà đầu tư với các chính sách tạo thuận lợi của Chính phủ, vị trí địa lý quan trọng, dân số trẻ và năng động. Ông khẳng định: “Việt Nam là điểm đến của nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên thế giới và khu vực”.


 

 Thủ tướng tiếp ông Joseph Bae, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư KKR. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng tiếp ông Joseph Bae, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư KKR. Ảnh: Nhật Bắc


KKR là công ty đầu tư toàn cầu của Mỹ, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới với 33 văn phòng trên toàn cầu, đã hoàn thành hơn 280 khoản đầu tư với tổng giá trị 545 tỉ USD; hiện tổng tài sản khoảng 470 tỉ USD.

Thủ tướng cảm ơn những đánh giá tốt đẹp và sự hiểu biết của KKR về Việt Nam, đánh giá cao hoạt động đầu tư vào khu vực tư nhân ở Việt Nam, hoan nghênh KKR có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đánh giá các trọng tâm đầu tư của KKR cũng là những ưu tiên của Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị KKR hỗ trợ về tư vấn chính sách, các vấn đề kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực… tăng cường sự hiện diện với một văn phòng xứng tầm tại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, với các thủ tục đơn giản; đề nghị KKR và các bộ, ngành liên quan trao đổi cụ thể hơn về các nội dung hợp tác.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Gặp Thủ tướng, ông Alfred Kelly, Chủ tịch - Giám đốc điều hành VISA bày tỏ ấn tượng với sự phát triển năng động của Việt Nam, nhất là việc kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi và mở cửa. VISA đánh giá cao kế hoạch và sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng từ 8% năm 2020 lên đến 28% trong năm qua. VISA tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đã đặt ra vào năm 2027.

VISA mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng và đổi mới trong lĩnh vực tài chính, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt; chia sẻ kế hoạch đầu tư kinh doanh trong thời gian tới tại Việt Nam; trao đổi về cơ hội để ViSA tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, trong đó có hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, xây dựng thành phố thông minh, di chuyển thông minh… tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hiện diện của VISA tại thị trường Việt Nam trong hơn 20 năm qua và ủng hộ kế hoạch hợp tác của VISA với Chính phủ trong đổi mới lĩnh vực tài chính, mở rộng khả năng tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt.

Thủ tướng cho hay, Việt Nam đã xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và đề nghị VISA phối hợp và trao đổi chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tham gia hỗ trợ triển khai các hoạt động và nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Đề án, hướng tới đạt được các mục tiêu đã đề ra sớm hơn kế hoạch.

 

Đề nghị IMF hỗ trợ xây dựng thị trường vốn minh bạch

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Phó tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Antoninette Monsio Sayeh.

Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao IMF đã hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vắc xin, tài chính, khuyến nghị tư vấn cho Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19; có các hỗ trợ, tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong xây dựng, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, đặc biệt là ổn định chính sách tiền tệ.

Thủ tướng cho biết, nhờ phòng chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ban đầu trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Trong đó, tăng trưởng kinh tế quý 1/2022 đạt 5%, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường lao động được phục hồi.

Việt Nam đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển, đồng thời triển khai gói hỗ trợ trị giá khoảng 4% GDP, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ về thuế, phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; phát triển hạ tầng... Do đó, đề nghị IMF hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả chương trình này.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị IMF tư vấn, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực giúp Chính phủ Việt Nam hoạch định và triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm (2021 - 2030).

Trước mắt, đề nghị IMF hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển thị trường vốn minh bạch, bền vững; kiểm soát lạm phát; phát triển logistics, giảm phí vận tải; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chống biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng...

Phó tổng giám đốc IMF cho biết, IMF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng, trong đó sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn xây dựng chính sách; mong muốn được thăm, làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng của Việt Nam để có các chương trình cụ thể.


Theo Chí Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm