(GLO)- Theo thông lệ, thời điểm đầu mùa khô khi ngành cao su tạm ngưng khai thác thì giá mủ cao su trên thị trường sẽ tăng. Tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm 2016, giá mủ cao su vẫn thấp hơn mức giá bình quân của năm 2015. Đặc biệt, vùng Tây Nguyên giá còn thấp hơn so với vùng Đông Nam bộ do đặc thù địa lý xa cảng, xa thị trường giao dịch...
Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2015. |
Ngay từ đầu năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã dự báo thị trường cao su sẽ có biến động về giá, thậm chí giá bán có thể rơi xuống đáy. Do đó, Tập đoàn đã khuyến nghị các công ty thành viên cần có phương án chủ động đối phó, cũng như ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, cùng nhau nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn. Đúng như dự báo, liên tiếp trong tháng 1 và 2 của năm nay, giá bán mủ cao su trên thị trường tiếp tục dao động 25-27 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, giá bán ở khu vực Tây Nguyên còn thấp hơn mức này do đặc thù xa cảng, xa thị trường giao dịch. Trước tình hình này, yêu cầu bảo đảm tiêu thụ sản phẩm và có được giá bán tốt nhất luôn là thử thách lớn nhất của các công ty cao su.
Trong bối cảnh đó, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông xác định vừa duy trì sản phẩm truyền thống vừa gia tăng sản lượng mủ SRV-vốn được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu ưa chuộng. Năm 2015, Công ty đã xuất khẩu trực tiếp 2.001,4 tấn (tương đương 27,3% sản lượng tiêu thụ) và nội tiêu 5.332,5 tấn (tương đương 72,7% sản lượng tiêu thụ). Để tiêu thụ tốt sản phẩm, Công ty luôn coi trọng chất lượng hàng xuất, duy trì hợp đồng xuất khẩu trực tiếp dài hạn mủ Latex cô đặc với đối tác Mỹ. Năm 2016 này, Công ty nâng kế hoạch xuất khẩu trực tiếp lên 2.100 tấn (tương đương 30% sản lượng tiêu thụ) và 1.000 tấn ủy thác (tương đương 14%), xây dựng giá bán bình quân 25,5 triệu đồng/tấn. Để làm được điều này, việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của khách hàng là vô cùng quan trọng. Đồng thời, chú trọng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như mủ Latex cô đặc, mủ cốm CV 50, CV 60, linh hoạt theo nhu cầu khách hàng theo từng thời điểm.
Thu hoạch mủ cao su. |
Tương tự, một thành viên khác của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah giữ quan điểm tiếp tục thực hiện chủ trương cắt giảm các khoản chi phí chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm chi phí sản xuất, tuyệt đối không vay vốn ngắn hạn để hạ giá thành sản phẩm. Theo đó, Công ty đẩy mạnh sử dụng cơ giới hóa, tích cực triển khai trồng xen canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất để giảm suất đầu tư cao su kiến thiết cơ bản, cải tiến công tác quản lý để giảm chi phí chung thấp hơn 20% so với định suất đầu tư trước đây. Hiện nay, ngoài nỗ lực duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống là Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Công ty đang có những bước đi cần thiết để thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường sang Afganistan, Nhật Bản.
Ở thời điểm cuối quý I-2016, đã có những dấu hiệu cho thấy thị trường cao su đang ấm lại, hầu hết các công ty trên địa bàn Tây Nguyên đã giải phóng được hàng tồn kho. Với tinh thần chủ động, các công ty đã và đang nhập cuộc với kế hoạch, giải pháp kinh doanh linh hoạt nhằm giải quyết nút thắt về giá thành-giá bán, hướng tới các thị trường tiềm năng bằng cách thay đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại thị trường Việt Nam, nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên đang có những diễn biến tích cực vào đầu tháng 3 này khi bất ngờ tăng mạnh so với cuối tháng 2-2016. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế trong nước, cổ phiếu cao su tăng được bắt nguồn từ sự phục hồi của giá cao su thế giới, nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà sản xuất cao su lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia mới đây đã quyết định cắt giảm xuất khẩu 615 ngàn tấn cao su trong 6 tháng (bắt đầu từ ngày 1-3-2016). Sản lượng do các quốc gia này cắt giảm tương đương với 6% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, gấp 2 lần mức dự cung của năm 2016 và 23% lượng cao su tồn kho hiện nay. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức Tánh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah nhấn mạnh: Trong năm nay, chúng tôi chủ trương không vay vốn ngắn hạn để hạ giá thành sản phẩm, bán hàng nhanh để luân chuyển vốn nhanh. Sắp tới, Công ty hướng tới các thị trường mới bằng các sản phẩm chất lượng, uy tín, nâng cao tính cạnh tranh. Để làm được điều này, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy mới với tổng chi phí 57,16 tỷ đồng, đầu tư 11,8 tỷ đồng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải. Đối với giải pháp tăng sản lượng cũng cần tính toán kỹ vì nó có giới hạn riêng, do đó công ty tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, ổn định lực lượng lao động, tăng năng suất lao động nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Tân-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhìn nhận rằng, năm 2015, toàn ngành hiện có 415 ngàn ha cao su, sản lượng khai thác đạt 264 ngàn tấn, lợi nhuận đạt 2.700 tỷ đồng, riêng lợi nhuận từ cao su là 245 tỷ đồng. Trên địa bàn Tây Nguyên có 3 công ty báo cáo lỗ ngành hàng cao su nhưng đã bù lại bằng doanh thu khác, vẫn ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo thu nhập-đời sống cho người lao động, đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Đối với năm 2016, nhiều khả năng giá bán sẽ còn xuống thấp nên đề nghị các công ty cần xây dựng giá thành khoảng 25 triệu đồng/tấn, tiếp tục tiết giảm suất đầu tư cho vườn cây, nâng cao năng suất lao động để hạ giá thành bởi mức bình quân hiện nay vẫn ở ngưỡng 26-29,2 triệu đồng/tấn. Trong điều kiện hiện nay, Tập đoàn khuyến nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, chuẩn bị các tiền đề phục vụ lộ trình cổ phần hóa. Mặt khác, cần tính toán hợp lý để duy trì đầu tư ra nước ngoài. Chỉ một vài năm tới khi vườn cây ở nước ngoài đi vào khai thác sẽ góp phần tăng sản lượng khai thác, hạ giá thành sản xuất.
Sơn Ca