Kinh tế

Thị xã Ayun Pa: Nhiều giải pháp tăng trưởng kinh tế vững mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Thị ủy, sự điều hành của UBND thị xã và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân, kinh tế thị xã đã có sự chuyển biến rõ rệt và đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy vậy, thị xã Ayun Pa vẫn gặp khá nhiều khó khăn, như diện tích đất nông nghiệp của địa phương có ít, địa hình đồng ruộng không bằng phẳng; thị xã chưa có cụm công nghiệp. Để từng bước khắc phục những hạn chế, đưa kinh tế của thị xã phát triển bền vững trong thời gian tới, UBND thị xã đã đề ra những giải pháp cơ bản trên các lĩnh vực.
 

 Thị xã Ayun Pa hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác
Thị xã Ayun Pa hôm nay. Ảnh: Nguyễn Giác

Đối với nông nghiệp: Do diện tích đất sản xuất của thị xã có hạn nên cần tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; chú trọng cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn; sinh học hóa trồng trọt, chăn nuôi; hợp tác hóa trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy mối liên kết giữa bốn nhà để phát triển nông nghiệp một cách bền vững (Nhà nước định hướng sản xuất, nhà khoa học đầu tư công nghệ mới, nhà doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, nhà nông thực hiện). Đồng thời phải quan tâm chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chú trọng phát triển các cây trồng chủ lực trên địa bàn, như: lúa, bắp, mía, thuốc lá. Bên cạnh đó phải mạnh dạn thử nghiệm một số cây trồng mới có giá trị hàng hóa và hiệu quả kinh tế cao, như cây hồng hoa, cây mắc ca... nếu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương thì đưa vào sản xuất. Tăng cường cơ giới hóa trong nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm bón và thu hoạch để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trong sản xuất. Khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc.

Phát triển vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung tại 4 xã và 2 phường để tăng dần tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhân rộng mô hình nuôi bò đực lai để cải tạo đàn bò địa phương; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chăn nuôi theo kiểu trang trại. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Khuyến khích phát triển mô hình nuôi yến trong nhà có kiểm soát, để phát triển một ngành chăn nuôi lợi nhuận kinh tế cao, có tiềm năng tại địa phương. Kêu gọi đầu tư xây dựng một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tập trung tại vùng ven đô để kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng-chống dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

 

Do diện tích đất sản xuất của thị xã có hạn nên cần tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; chú trọng cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Nguyễn Giác
Do diện tích đất sản xuất của thị xã có hạn nên cần tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; chú trọng cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Nguyễn Giác

Trên cơ sở diện tích ao hồ tập trung tại các phường: Hòa Bình, Đoàn Kết, Cheo Reo, khuyến khích nông dân phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất. Khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi từ nuôi các giống cá truyền thống sang nuôi cá cho năng suất cao, có giá trị hàng hóa, như: cá rô phi đơn tính, cá lóc bông, cá chép lai... Hàng năm đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí từ nguồn hỗ trợ địa phương sản xuất lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ để kiên cố hóa kênh mương và bê tông hóa đường giao thông nội đồng cho các xã, phường.

Đối với công nghiệp: Cần khuyến khích đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm, chế biến nông sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Phát huy những cơ sở công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp hiện có, vận dụng và thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến công. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất theo chiều rộng và chiều sâu gắn với bảo vệ môi trường-sinh thái. Đề nghị Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tiếp tục đầu tư công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiếng ồn để ổn định, phát triển sản xuất.

 

Cần khuyến khích đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm, chế biến nông sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Ảnh: Nguyễn Giác
Cần khuyến khích đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm, chế biến nông sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Ảnh: Nguyễn Giác

Trên lĩnh vực khoa học-công nghệ: Phải đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, như tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi để giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng phòng-chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ trong trồng trọt để chống đất thoái hóa, bạc màu; sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel đối với các cây trồng như mía, cỏ, cây ăn quả để kéo dài tuổi thọ của cây, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Lĩnh vực thương mại-dịch vụ: Quan tâm phát triển các dịch vụ công cộng và dịch vụ sản xuất như: tín dụng; bưu chính, viễn thông; vận tải; sửa chữa ô tô, xe máy, điện-điện tử, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống giải khát. Kêu gọi đầu tư xây dựng chợ trung tâm thị xã làm hạt nhân phát triển các chợ ở 2 cụm xã Ia Rtô, Ia Sao và Chư Băh, Ia Rbol, đồng thời làm đầu mối cung cấp hàng hóa cho mạng lưới bán lẻ trên địa bàn và các huyện lân cận. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng quá hạn sử dụng.

Ngoài ra, thị xã tiếp tục tổ chức các hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012; đảm bảo các hợp tác xã sau chuyển đổi hoạt động đúng bản chất, nguyên tắc và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Quan tâm củng cố, khắc phục những yếu kém của các hợp tác xã, tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển, mở rộng nội dung, đa dạng hình thức hoạt động; thành lập mới, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề. Tập trung phát triển kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ hợp tác xã... Tất cả hướng đến mục tiêu tăng cường phát triển kinh tế phát triển bền vững.

 Đỗ Tiến Đông (Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã)

Có thể bạn quan tâm