Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Thiết bị IoT thấu hiểu người dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các thiết bị đeo AI theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân để đưa ra cảnh báo sớm, tăng khả năng cứu sống.

Năm 2024, ngoài máy tính và smartphone, AI được tích hợp vào các thiết bị, hệ sinh thái Internet Vạn vật (IoT) rộng rãi và đem lại nhiều lợi ích cho người dùng hơn.

Tăng tiện ích, độ phủ trải nghiệm

Theo MarketsandMarkets, quy mô thị trường IoT thế giới đạt 330,3 tỉ USD trong năm 2021 và dự kiến đạt 651,5 tỉ USD vào năm 2026. Tại Việt Nam, theo Research and Markets, quy mô thị trường IoT đạt 6,23 tỉ USD trong năm 2023 và sẽ tăng lên hơn 13,1 tỉ USD vào năm 2028. Nghiên cứu của Deloitte Đông Nam Á cho thấy đến năm 2027, Việt Nam sẽ có khoảng 14,8 triệu thiết bị kết nối IoT.

Với lợi thế từ mạng 5G cho phép kết nối nhiều thiết bị một lúc nhanh hơn, độ trễ thấp, nhiều hãng thiết bị và phát triển ứng dụng đã đẩy mạnh lộ trình trang bị khả năng AI cho hệ sinh thái IoT. Điển hình trong sự kiện Galaxy Unpacked 2024 tổ chức tại Paris (Pháp) ngày 10-7, Công ty Điện tử Samsung Electronics (Hàn Quốc) đã ra mắt toàn cầu 3 thiết bị IoT trang bị nền tảng Galaxy AI, gồm đồng hồ thông minh Galaxy Watch Ultra và Galaxy Watch7, nhẫn thông minh Galaxy Ring, tai nghe không dây Galaxy Buds3 và Galaxy Buds3 Pro. Các thiết bị IoT được tích hợp AI nhằm nâng cấp các tính năng chuyên dụng, ngoài ra chúng được kết nối với các smartphone Samsung Galaxy AI để tăng tiện ích sử dụng cho người dùng. Theo đó, tai nghe Galaxy Buds3 Pro có thêm tính năng phiên dịch thời gian thực. Ví dụ, một người nói tiếng Hàn Quốc gọi điện cho một người Việt Nam, thông qua trình phiên dịch trên smartphone tương thích, người đeo tai nghe có thể nghe bản dịch qua tiếng Việt.

Với đồng hồ đeo tay Galaxy Watch Ultra, Galaxy AI sẽ phân tích, cung cấp các chỉ số sức khỏe và thông tin điểm hằng ngày một cách toàn diện và chính xác để người đeo tham khảo, điều chỉnh giấc ngủ, tập thể dục, tăng cường sức khỏe. Đặc biệt, chiếc nhẫn thông minh Galaxy Ring AI cũng được tích hợp các tính năng theo dõi sức khỏe và rèn luyện thể thao như đồng hồ Galaxy Watch.

Tai nghe Galaxy Buds 3 Pro được trang bị tính năng phiên dịch thời gian thực. Ảnh: Samsung cung cấp

Tai nghe Galaxy Buds 3 Pro được trang bị tính năng phiên dịch thời gian thực. Ảnh: Samsung cung cấp

Việt Nam cần chiến lược phát triển

Sự kết hợp của 2 công nghệ AI và IoT (AIoT) có khả năng cách mạng hóa cách sống và làm việc.

Theo trang Device Authority, AI có thể đưa ra quyết định và nhận thức giống con người để tăng hiệu quả và cải thiện các quy trình. Ví dụ, AI có thể giúp các công ty dự đoán việc bảo trì máy móc, tiết kiệm hàng triệu USD chi phí sửa chữa, tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà giảm lượng khí thải carbon. Các thiết bị đeo được trang bị AI có thể theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trong thời gian thực, phân tích dữ liệu này để đưa ra cảnh báo sớm về các vấn đề sức khỏe, tăng khả năng cứu sống.

Thuật toán AI có thể tối ưu hóa tín hiệu giao thông, giảm ô nhiễm và tăng cường an toàn công cộng. Các thiết bị AIoT trong nông nghiệp có thể thu thập dữ liệu về chất lượng đất, điều kiện thời tiết và sức khỏe cây trồng, khuyến nghị về thời gian trồng, lịch tưới tối ưu.

Với những ưu thế của mình, Việt Nam có nhiều triển vọng trong xu hướng phổ cập AI trên hệ sinh thái IoT. Cụ thể, Việt Nam có thể phát triển được cả những thiết bị IoT lẫn các thuật toán, ứng dụng AI cho hệ sinh thái này. Các doanh nghiệp Việt có thể phát triển các thiết bị IoT cho ô tô và các lĩnh vực giao thông, vận chuyển, cũng như cho các nhu cầu của thành phố thông minh, nhà máy thông minh hay chính quyền thông minh, chính quyền số. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có chiến lược cụ thể cho việc phát triển thị trường IoT. Tại sự kiện M2M IoT 2023 hồi tháng 6-2023, Viettel đã đưa ra sáng kiến kêu gọi thành lập Hiệp hội IoT Việt Nam để các doanh nghiệp trong ngành chia sẻ các tri thức, giải pháp và những bài học kinh nghiệm trong việc đưa công nghệ IoT ứng dụng vào cuộc sống. Đại diện Viettel cho biết đây là một trong những giải pháp mà Trung Quốc đã thực hiện thành công nhằm biến quốc gia này thành thị trường IoT lớn nhất thế giới.

Theo giới chuyên môn, việc tích hợp AI với IoT tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ đòi hỏi phải có giải pháp lưu trữ và xử lý dữ liệu. Một thách thức khác là tính bảo mật của các thiết bị IoT, vốn được coi là loại thiết bị "yếu" - cả về khía cạnh người dùng lẫn thiết bị, có thể dễ bị khai thác để tấn công mạng.

Tích hợp AI tạo sinh lên ô tô điện

Từ tháng 7-2024, người dùng có thể trải nghiệm phiên bản cập nhật của Trợ lý ảo tích hợp công nghệ AI tạo sinh (do VinBigdata phát triển) trên dòng xe VinFast VF 8 Lux Plus. Trợ lý ảo này khả năng tương tác và trò chuyện tự nhiên, liền mạch, linh hoạt đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng mà không còn giới hạn ở các câu lệnh mẫu. Cụ thể, cung cấp thông tin về xe cho người lái như: thông số kỹ thuật, chế độ bảo hành - bảo dưỡng, pin và trạm sạc; giải đáp các thắc mắc về dịch vụ của VinFast cung cấp..., thậm chí tư vấn, so sánh các dòng xe và các thông tin liên quan đến xe nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng.

T.Phượng

Có thể bạn quan tâm