Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Thiết bị sắc ký khí: Dễ dàng kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với hệ thống thiết bị Sắc ký khí kết nối đầu dò khối phổ (GC/MS) và các thiết bị liên quan tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, các tổ chức, cá nhân có thể chủ động đến kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BTVT) trên rau quả để có chứng nhận an toàn cho sản phẩm.

Với thiết bị Sắc ký khí kết nối đầu dò khối phổ, các tổ chức, cá nhân có thể chủ động kiểm định dư lượng thuốc BVTV trên rau quả. Ảnh: Hà Duy
Với thiết bị Sắc ký khí kết nối đầu dò khối phổ, các tổ chức, cá nhân có thể chủ động kiểm định dư lượng thuốc BVTV trên rau quả. Ảnh: Hà Duy

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 8.000 ha đất sản xuất rau củ quả. Tuy nhiên, trong số này chỉ có hơn 344 ha đất sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có ứng dụng công nghệ cao. Vì lợi nhuận, nhiều nông dân bất chấp nguy hiểm về sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, bỏ qua nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã sử dụng hóa chất trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và các loại phân bón hóa học để làm cho rau quả phát triển nhanh, thu hoạch sớm.

Chị Nguyễn Thị Lý Hạnh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi luôn mong muốn các loại rau củ quả mà mình mua là thực phẩm sạch, an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nhưng thực sự không ai dám chắc chắn các loại rau quả mình mua ở chợ là sạch. Người ta vẫn thường kháo nhau là người trồng rau củ quả lúc nào cũng có một khu vực trồng riêng để dùng cho gia đình mình, đó là rau quả thực sự sạch, an toàn; còn các loại để bán thì trồng riêng, thường phun các loại thuốc BVTV và thuốc kích thích tăng trưởng mạnh”.

Thực tế này đã “làm khó” cho những người nông dân trồng rau quả chân chính. Bà Hoàng Thị Nhung (xã An Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Nhà tôi trồng rau cũng chỉ tưới tắm, bón phân các loại chứ không xịt thuốc tăng trưởng như người ta nói. Nhưng giờ đem ra chợ bán, người quen họ biết thì không sao, còn những người khác nghi ngờ rau không sạch, mình cũng đành chịu”.

Trước thực trạng này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Linh-thử nghiệm viên của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh cùng các đồng nghiệp đã triển khai nghiên cứu đề tài khoa học về phương pháp thử nghiệm xác định dư lượng thuốc BVTV trên máy sắc ký khí. Thạc sĩ cho biết: “Hiện tại, bất cứ ai có nhu cầu kiểm định dư lượng thuốc BVTV trên các sản phẩm rau quả đều thực hiện được khá dễ dàng bằng hệ thống thiết bị Sắc ký khí kết nối đầu dò khối phổ (GC/MS) và các thiết bị liên quan. Thiết bị này có thể kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu thuộc 3 họ Clo, lân hữu cơ và hóa chất trừ sâu nhóm cúc tổng hợp trong sản phẩm rau quả, phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước, nhu cầu của cá nhân và tổ chức về việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong nông sản kịp thời, chính xác”. Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Linh, việc kiểm tra, đánh giá dư lượng thuốc BVTV trên các sản phẩm rau quả thông qua hệ thống thiết bị sắc ký khí có chi phí thấp nhất mà vẫn đạt được kết quả chính xác, phù hợp với yêu cầu của các tiêu chuẩn hiện nay.

Hiện người nông dân hoàn toàn có thể chủ động kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm rau quả bằng hệ thống thiết bị Sắc ký khí. Ảnh: Hà Duy
Hiện người nông dân hoàn toàn có thể chủ động kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm rau quả bằng hệ thống thiết bị Sắc ký khí. Ảnh: Hà Duy


Ông Hà Ngọc Tú (phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Gia đình tôi chuyên trồng các loại rau củ quả. Trước đây, để tránh các loại sâu bệnh hại, nông dân thường phun thuốc BVTV. Nhưng rồi nhận thức việc này sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng nên tôi không phun thuốc nữa mà làm nhà lưới để trồng rau sạch. Tuy nhiên, khi đem sản phẩm đi bán thì người tiêu dùng không có cách nào xác định được đó là rau sạch, an toàn hay không. Vì vậy, khi biết thông tin tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh có thể kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên rau củ quả, tôi đã đem sản phẩm đến kiểm tra để được chứng nhận rau an toàn. Khi có kết quả chứng nhận rau củ quả an toàn thì sản phẩm làm ra của gia đình tôi được người mua tin tưởng hơn”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Linh thông tin thêm: “Kể từ khi Trung tâm triển khai hoạt động này, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã đưa sản phẩm đến để kiểm tra, nhất là những nơi có nhu cầu đưa hàng vào siêu thị hoặc các đơn vị cần chứng nhận VietGAP”.

 

 HÀ DUY 

 

Có thể bạn quan tâm