Bạn đọc

Thiệt hại vì… thiếu hiểu biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiếu đất sản xuất, lại thiếu hiểu biết pháp luật, một số hộ dân tại làng Ia Tong (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã sử dụng khoảng đất trống dưới hành lang an toàn lưới điện để trồng tiêu, cà phê. Việc làm này đã khiến hàng chục triệu đồng đầu tư và công sức của họ “trôi sông, đổ biển”.

Ông Huỳnh Tấn Hải (trú tại làng Ia Tong) cho biết: Tôi cùng một số hộ dân nữa đến định cư tại xã Ia Dêr đã được chục năm nay. Từ năm 2014, chúng tôi đã trồng cây mì và hoa màu dưới tuyến đường điện cao thế 500 kV đi qua xã. Do thiếu đất sản xuất, điều kiện kinh tế khó khăn, các con còn nhỏ phải nuôi ăn học nên chúng tôi tận dụng khoảng đất trống để canh tác kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình.

 

Công đầu tư, chăm sóc của ông Hải đã bị mất trắng do thiếu hiểu biết pháp luật. Ảnh: N.N

Ngày 13-3-2015, UBND xã Ia Dêr và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai mời ông Hải và một số hộ lên làm việc để thông báo “ngưng không được canh tác trên diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ đường điện”. Sau đó, các hộ dân cùng ông Hải nhận được thông báo của UBND huyện Ia Grai về việc sẽ thu hồi diện tích đất dưới tuyến đường dây điện. “Về chủ trương bàn giao mặt bằng tuyến đường điện cho UBND huyện chúng tôi xin chấp hành. Tuy nhiên, chúng tôi hiện đang rất khó khăn và thiếu đất sản xuất hơn nữa đã đổ công sức và tiền của vào đây nên rất mong địa phương quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi tiếp tục canh tác… Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi đơn lên UBND huyện Ia Grai để được xem xét giải quyết. Nói chung, sự việc chưa “ra ngô ra khoai” thì ngày 16-3-2016, có một nhóm người đến nhổ toàn bộ cây trồng của chúng tôi”-ông Hải buồn bã cho biết.  

Liên quan đến vụ việc trên, trong văn bản trả lời đơn kiến nghị của 4 hộ dân trú tại làng Ia Tong, ngày 4-8-2015, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai ông Phan Trung Tường nêu rõ: Ngày 7-3-2014, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc thu hồi 58.328,03 m2 đất trồng cây cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah thuộc hành lang tuyến đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông đoạn qua huyện Ia Grai và bàn giao cho UBND huyện Ia Grai quản lý. Diện tích đất thu hồi trên khi chưa bàn giao về địa phương thì bị hộ các ông Hải, ông Diễn, ông Tổng, bà Thủy tự chiếm dụng để sản xuất. Ủy ban nhân dân huyện đã có Công văn số 777/UBND-TNMT ngày 17-12-2014 và Công văn số 224/UBND-TNMT ngày 11-5-2015 đề nghị Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah xử lý dứt điểm việc chiếm dụng đất của các hộ dân và bàn giao đất về địa phương quản lý theo đúng quy định tại Điều 2 của Quyết định số 28/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

 

Số hàng rào tháo dỡ của các hộ đang để tại UBND xã Ia Der. Ảnh: N.N

Về vấn đề này, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, Nông trường Cao su Ia Phú (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) đã phối hợp với ngành chức năng địa phương nhiều lần làm việc, vận động các hộ dân trên tự nguyện giao trả đất. Cuộc họp ngày 9-12-2015 tại Nông trường Cao su Ia Phú có sự tham gia giữa các bên liên quan cũng yêu cầu 4 hộ dân tháo dỡ hàng rào trả đất để Công ty thực hiện bàn giao đất cho địa phương. Tuy nhiên hộ ông Tổng và ông Hải vẫn không thực hiện. Trong thông báo lần cuối ngày 7-3-2016, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah yêu cầu 2 hộ trên trong thời gian từ ngày 8-3-2016 đến hết ngày 15-3-2016 phải tháo dỡ hàng rào. Nếu cố tình không tháo dỡ, Công ty và các ban ngành chức năng sẽ tháo dỡ giải tỏa…

Về phía chính quyền địa phương, ông Ksor Tuch-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr cho biết: Các hộ dân tự ý lấn chiếm đất trên để sản xuất. Nhiều lần vận động họ tự nguyện thực hiện giao trả đất nhưng họ không thực hiện nên vừa qua Nông trường Cao su Ia Phú nhờ địa phương hỗ trợ để giải tỏa, tháo dỡ hàng rào. Việc này do người dân đã làm sai nên họ phải tự chịu trách nhiệm và cũng sẽ không được bồi thường theo quy định.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm