Đại biểu Quốc hội nhìn nhận, việc đôn đốc, theo dõi, giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đôi khi còn chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao. Do vậy cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân còn hạn chế.
Hội nghị Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân nguyện của Quốc hội. Ảnh QK |
Ngày 31/7, Ban Dân nguyện tổ chức Hội nghị Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân nguyện của Quốc hội gắn với việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, công tác dân nguyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Khi thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội hết sức chú trọng đến chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số đại biểu Quốc hội chưa dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu đơn thư của công dân để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc đôn đốc theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đôi khi còn chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng nguyện vọng của công dân. Bên cạnh đó, các hình thức tiếp xúc cử tri chủ yếu vẫn thực hiện thông qua phương thức truyền thống là trước và sau kỳ họp nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân còn hạn chế…
Tại hội nghị, đa số đại biểu nhìn nhận, hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian qua ngày được nâng cao chất lượng, bước đầu đã khắc phục được tính hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội. Tuy nhiên, thời gian mỗi đại biểu dành cho tiếp xúc cử tri còn hạn chế. Nội dung tiếp xúc cử tri mới tập trung vào kết quả các kỳ họp Quốc hội, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ từ kỳ họp trước đến kỳ họp sau, những nội dung chuyên sâu còn thiếu.
Trên cơ sở đó, các đại biểu cho rằng, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội, HĐND trong việc tiếp công dân, xử lý đơn, thư của công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Cùng với đó, cần tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong việc tiếp công dân, kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân và giải quyết kiến nghị của cử tri, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc.
Luân Dũng (TPO)