TN - Đất & Người

Thiếu quản lý, rừng phòng hộ bị phá nát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ rừng đã buông lỏng quản lý, mắc nhiều sai phạm trong quá trình tận thu gỗ gãy đổ, giải phóng mặt bằng để lâm tặc ngang nhiên tàn phá hàng chục hecta rừng phòng hộ
Thực hiện chỉ đạo của giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk liên quan đến bài báo "Tàn sát rừng phòng hộ" đăng trên Báo Người Lao Động, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo về vụ việc.
Lâm tặc ung dung phá rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk và hướng dẫn của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk về việc tận thu gỗ gãy đổ do bão, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) đã cho tận thu ở nhiều địa điểm. Tại xã Cư Bông, huyện Ea Kar, diện tích tận thu cây gãy đổ là gần 6 ha thuộc Tiểu khu 701. Từ ngày 17 đến 24-7, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã ký hợp đồng với một cá nhân tận thu được hơn 90 m3.
Tuy nhiên, xảy ra tình trạng khai thác sai đối tượng, cắt hạ cả những cây đang sống rất tốt, có đường kính khoảng 30-40 cm. Bên cạnh đó, người được thuê tận thu gỗ còn san ủi đường trái phép để vào hạ cây rừng. Những cây bị hạ trái phép là cây keo lá tràm, nằm rải rác ven đường, sườn núi, bãi gom trong khu vực trên diện tích khoảng 6 ha. Việc khai thác sai đối tượng, ủi đường trái phép, cắt hạ gỗ ngoài khu vực được khai thác đang được Công an huyện Ea Kar điều tra.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk khẳng định để xảy ra tình trạng trên là do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar chưa thực hiện đúng hướng dẫn; buông lỏng quản lý, chưa phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân phụ trách giám sát khai thác.
Còn theo báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, công ty đã ký hợp đồng với ông Vi Văn Sính (ngụ xã Cư Yang, huyện Ea Kar) về việc thu gom, khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ. Trong đó có 23,69 ha tại Tiểu khu 692 (xã Cư Yang) và 5,91 ha tại Tiểu khu 70 (xã Cư Bông). Tổng khối lượng khai thác đã nghiệm thu là 291,9 m3 và đã tiêu thụ hết khối lượng gỗ. Việc tận thu đã chấm dứt từ ngày 30-7 nhưng sau đó các đối tượng trộm cắp đã vào khai thác gỗ trái phép.
Hiện trường tàn phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 701 của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar. Ảnh: Cao Nguyên
Hiện trường tàn phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 701 của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar. Ảnh: Cao Nguyên
Chưa phát hiện sai phạm?
Ngoài việc tổ chức tận thu gỗ gãy đổ, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar cũng được giao khai thác gỗ rừng phòng hộ tại khu vực giải phóng mặt bằng thi công hồ chứa nước Krông Pắk Thượng và cũng để xảy ra nhiều sai phạm.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar, ngày 21-8, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk có quyết định cấp phép cho Công ty Lâm nghiệp Ea Kar khai thác trên diện tích 3,27 ha tại lô 1, khoảnh 1, Tiểu khu 701. Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar phối hợp với các lực lượng kiểm tra phát hiện điểm khai thác với diện tích 0,26 ha nằm trên lô 13 (khoảnh 1). Tại hiện trường còn sót lại cây keo nằm ngổn ngang, một số thân cây đã bị cắt và vận chuyển đi. Thời điểm khai thác cách thời điểm kiểm tra khoảng 15 ngày.
"Việc tổ chức khai thác rừng trồng phòng hộ thuộc khu vực giải phóng mặt bằng thi công hồ chứa nước Krông Pắk Thượng không đúng địa điểm, vị trí khai thác theo quyết định của Sở NN-PTNT" - báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar nêu rõ.
Điều khó hiểu là báo cáo này được gửi cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk từ ngày 31-8 nhưng theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm ngày 5-8 thì "Việc khai thác trắng gỗ rừng trồng để giải phóng mặt bằng thi công dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng được Công ty Lâm nghiệp Ea Kar thực hiện đúng quy định, chưa thấy sai phạm" (!?).
Liên quan đến vụ việc, ngày 22-8, Công an huyện Ea Kar phát hiện và bắt giữ 2 xe tải chở hơn 52 m3 gỗ keo, phần lớn được khai thác trái phép tại Tiểu khu 701. Mở rộng điều tra, cơ quan công an phát hiện rừng bị tàn phá vô tội vạ, nhiều diện tích không nằm trong kế hoạch tận thu cây gãy đổ.
Xử lý trách nhiệm
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, để chấn chỉnh việc tận thu gỗ rừng trồng bị ảnh hưởng do bão tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung, chi cục đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk về kết quả kiểm tra. Đề nghị UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Ea Kar điều tra làm rõ sai phạm và xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20-9.
Cao Nguyên (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm