Ít ai biết rằng ở Tây Nguyên hiện vẫn còn những món ăn gác bếp dân dã mà nhiều gia chủ để dành để thết đãi khách quý trong dịp tết.
Cá treo trên bếp sẽ khô đều, thơm ngọt. Ảnh: Huỳnh Thủy |
Ngày tết, trong nhiều gia đình ở Tây Nguyên đều có một vài món ăn gác bếp để thiết đãi khách quý.
Cách làm món ăn thịt, cá gác bếp khá đơn giản. Thịt, cá sơ chế sạch được ướp gia vị rồi dùng lạt tre xâu lại thành từng chuỗi, treo dưới dàn bếp.
Hằng ngày lúc nấu ăn bằng than củi và các chất đốt tự nhiên, hơi nóng của lửa làm thịt, cá dần chín và khô đi.
Thịt, cá để bếp càng lâu thì có màu nâu sẫm và mùi khói đặc trưng; mùi khói, màu thịt càng đậm nghĩa là thịt, cá được gác bếp khá lâu.
Theo lời ông Y Lel, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đắk Lắk), nguồn thịt, cá để làm món gác bếp từ nguyên liệu tự nhiên lại được chế biến theo cách thủ công nên để được lâu, an toàn.
Ông Y Lel cho biết, dù cuộc sống của người Ê Đê hiện đã khấm khá nhưng ông vẫn thích treo thức ăn lên bếp vì thấy cách làm này cá sẽ khô đều, thơm ngon hơn.
"Đây cũng là phương thức bảo quản có từ xa xưa của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trước đây, người dân sống chủ yếu bằng nghề săn thú rừng và đánh bắt cá dưới sông suối. Những lúc săn bắt được nhiều thịt, cá ăn không hết nên họ nghĩ ra cách treo trên gác bếp"- ông Y Lel tiết lộ.
Trong những ngày tết, khách quý đến thăm các gia đình ở Tây Nguyên được gia chủ chiêu đãi món thịt, cá khô gác bếp.
Thịt, cá gác bếp là món ngon để đãi khách quý. Ảnh: Huỳnh Thủy |
Chắc chắn đó sẽ là những cảm giác khó quên bởi hương vị đặc trưng của món ăn đặc biệt này.
Dù thưởng thức theo kiểu thuần túy đập dẹp, chấm với muối ớt, tiêu rừng hay nấu chung với măng rừng, lá bép, lá mì thì thịt, cá vẫn giữ nguyên được vị ngọt ngọt, béo, hòa quện cùng mùi khói đặc trưng và một chút cay nồng của gia vị.
Theo H.L (LĐO)