(GLO)- Cần cù, chăm chỉ làm ăn và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên từ một hộ có kinh tế khó khăn, đến nay gia đình ông Hyưr ở làng Ia Mút, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa đã trở thành hộ khá giả, có của ăn của để.
Ông Hyưr đang chăm sóc vườn hồ tiêu theo mô hình liên kết sản xuất. Ảnh: Ngọc Định |
Với mong muốn cho các con có một cuộc sống no đủ, được học hành đến nơi đến chốn, ông Hyưr ở làng Ia Mút, xã Hà Bầu đã cùng vợ nỗ lực khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa, mì, bắp, chăn nuôi heo, gà và trồng cà phê. Nhưng do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật để đầu tư chăm sóc cho cây trồng, vật nuôi nên hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập thấp, nhà lại đông con, vì vậy mà gia đình ông Hyưr vẫn không thoát được cảnh nghèo đói. Điều này cũng làm ông trăn trở và luôn có suy nghĩ phải cố gắng để vươn lên thoát nghèo.
Thấy các hộ người kinh có rẫy trồng cà phê, hồ tiêu luôn xanh tốt, ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao, ông đã tìm đến để học hỏi và tích cực tham gia các lớp tập huấn về công tác khuyến nông do xã tổ chức, dần dần ông đã trang bị cho mình được một số kiến thức mới về trồng trọt chăn nuôi để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Tích góp được ít vốn, lại có thêm vốn kiến thức về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, cộng với quỹ đất sẵn có của gia đình, năm 1998, ông Hyưr đã nhổ bỏ vườn cà phê mít kém hiệu quả để trồng hơn 600 cây cà phê giống mới và đưa giống lúa lai vào sản xuất thay cho giống lúa địa phương đã sản xuất qua nhiều năm, kết hợp với nuôi bò, nuôi heo nái và đầu tư nuôi trồng, chăm sóc theo đúng những kiến thức khoa học kỹ thuật đã học hỏi được, nên năng suất các loại cây trồng, vật nuôi của gia đình ông đã ngày một tăng lên, theo đó nguồn thu nhập của gia đình ông hàng năm cũng dần ổn định, vừa bảo đảm cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình, vừa có vốn tích lũy để mở rộng diện tích sản xuất.
Hiện nay, ngoài số rẫy đã chia cho các con sau khi lấy vợ, lấy chồng, từ sản xuất 5 sào cà phê, 7 sào lúa nước và chăn nuôi 4 con bò lai sinh sản, hàng năm vợ chồng ông vẫn có nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng. Để khai thác hết quỹ đất của gia đình, hiện nay gia đình ông Hyưr còn liên kết với một hộ người Kinh trong xã để đầu tư trồng chung 1.000 trụ tiêu theo mô hình liên kết sản xuất giữa hộ người Kinh có vốn, có kinh nghiệm sản xuất với hộ người dân tộc thiểu số có đất. Hiện vườn tiêu liên kết của hai gia đình đang phát triển rất tốt. Ông Hyưr tâm sự: “Ngày trước kinh tế gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn, từ khi học hỏi được kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi và khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất của gia đình, đặc biệt là vào trồng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu và chăn nuôi bò lai nên kinh tế đã bắt đầu ổn định có điều kiện để chăm lo cho các con”.
Ngoài việc tích cực học hỏi và mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, biết liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất để có cuộc sống khá giả hơn, với vai trò là người có uy tín trong làng, ông Hyưr luôn tích cực tuyên truyền vận động bà con trong làng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con trong làng, trong xã không nên cho thuê đất, không bán đất trái phép, giữ đất để làm tư liệu sản xuất cho gia đình và cho con cháu mai sau. Ông BDưn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa nhận xét: “Ông Hyưr là hội viên Hội Nông dân, hiện nay ông biết áp dụng khoa học kỹ thuật hơn trước đây vì ông chịu khó học hỏi, trước đây ông thuộc hộ khó khăn, vườn cây nhà toàn vườn tạp ông cũng đã phá để trồng cà phê, tuy nhiên vườn cà phê không có hiệu quả, ông đã phá bỏ trồng lại cà phê, hồ tiêu và phối hợp với hộ người Kinh có vốn, tại vì trước đây có nhiều người hỏi mua đất nhưng ông không chịu nên ông đã phối hợp với người Kinh để làm tiêu, hiện ông là hội viên Hội Nông dân sản xuất giỏi, được nhân dân, bà con tín nhiệm học hỏi về khoa học kỹ thuật”.
Ngọc Định