(GLO)- Bằng sự sáng tạo cùng đôi tay khéo léo, anh Tĩu (22 tuổi, dân tộc Jrai ở làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã biến cây tre thành những sản phẩm đẹp mắt, đậm chất nghệ thuật và giàu tính ứng dụng trong cuộc sống.
Những sản phẩm độc đáo
Đến thăm nhà anh Tĩu, từ ngoài cổng chúng tôi đã nghe tiếng lọc cọc vui tai phát ra từ bộ gõ làm bằng tre. Trong nhà, anh đang cặm cụi sửa lại một vài chi tiết trong bộ tiểu cảnh trước khi gửi hàng cho khách. Ngước lên chào khách, chàng trai Jrai tươi cười nói: “Đang ngày mùa mà cứ mê mấy thứ này nên tranh thủ rảnh lúc nào là mình lại cố gắng hoàn thiện cho xong”.
Anh Tĩu bên những bộ tiểu cảnh sắc sảo, sinh động. Ảnh: P.L |
Tĩu cho hay, anh bắt đầu mày mò làm tiểu cảnh từ tre cách đây khoảng một năm khi vô tình xem video về guồng nước bằng tre trên Youtube. Thấy cây tre ở xung quanh mình còn rất nhiều, Tĩu học và làm theo. Anh nhớ lại: “Mình mất 1 ngày để hoàn thành mô hình guồng nước đầu tiên. Vừa làm vừa học cách đo đạc, khoan làm mộng để ghép nối chứ không dùng đinh hay dây buộc. Cây tre lại dễ nứt, nên phải cẩn thận từng chút một. Bây giờ thì đã thành thạo hơn, chỉ mất khoảng 2-3 ngày là làm xong một bộ tiểu cảnh rồi”.
Những tiểu cảnh bằng tre của anh Tĩu có điểm nhấn chung là guồng nước. Từ guồng nước này, anh tự nghĩ và làm thêm các mô hình mô phỏng lại sinh hoạt của con người như xay bột, giã gạo, múc nước, sảy gạo, câu cá, những đứa trẻ chơi bập bênh… Để thêm phần sinh động, bên dưới guồng nước, Tĩu đặt một mô tơ điện 3V đã giảm tốc, khi cắm điện, guồng nước sẽ quay. Nhờ sự kết nối linh hoạt, mô hình người đang giã gạo, xay bột hay đạp xe trên bộ tiểu cảnh chuyển động rất đẹp mắt. Các tiểu cảnh này thường được đặt cùng với hòn non bộ, tạo khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Nhìn thì đơn giản nhưng để bộ tiểu cảnh hoạt động trơn tru, nhịp nhàng là cả một nghệ thuật kết nối. “Chỉ cần 2 đầu dây không cân bằng thì chuyển động sẽ bị sai, lệch nhịp. Khó hơn cả là làm mô hình người đang xay bột, bởi đây không phải chuyển động tiến lùi thông thường mà phải làm sao cho cối bột luôn xoay tròn. Mình làm nhiều nên thấy dễ chứ mới bắt đầu rất dễ nản chí, bỏ cuộc”-anh Tĩu chia sẻ. Để cây tre không bị mối mọt, anh thường ngâm nước 3-6 tháng, sau đó vớt lên phơi khô. Nếu cây tre bị cong phải hơ lửa cho thẳng lại. Đặc biệt, nguyên liệu để chế tác các bộ tiểu cảnh phải là tre già, càng già thì càng dễ khoan lỗ, tạo hình và sản phẩm cũng có độ bền cao hơn.
Nghệ nhân từ làng
Từ cây tre, ngoài làm tiểu cảnh, đôi bàn tay khéo léo của anh Tĩu còn biến chúng thành đèn ngủ, mô hình đàn trưng, nhà rông, nhà sàn, chuông gió… làm đồ trang trí, quà lưu niệm rất đẹp mắt. Điều đáng nói là tất cả đều do anh tự mường tượng trong đầu rồi thực hiện, sai đâu thì sửa đó, cứ thế mà hoàn thiện và rút kinh nghiệm dần. Mỗi khi làm xong một tiểu cảnh, anh lại quay clip đăng lên Facebook, Youtube, nhờ đó mà sản phẩm của anh được nhiều người biết đến và đặt hàng.
Các tiểu cảnh từ tre của anh Tĩu trưng bày tại Ngày hội cỏ hồng và Phiên chợ nông sản huyện Đak Đoa lần thứ III-năm 2019. Ảnh: P.L |
Đến nay, ngoài khách hàng trong tỉnh, anh Tĩu còn có thêm nhiều khách hàng ở các tỉnh thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đak Lak… Mỗi bộ tiểu cảnh tùy theo kích thước mà có giá từ 250.000 đến 800.000 đồng. Hiện anh đã bán được khoảng 50 bộ tiểu cảnh các loại. Anh Nguyễn Văn Trọng (tỉnh Đak Lak) trong một lần xem Youtube thấy các tiểu cảnh của anh Tĩu quá độc đáo nên liền liên hệ đặt mua. Anh Trọng tấm tắc: “Sản phẩm làm ra rất sắc sảo, đẹp mắt. Chỉ bằng cây tre nhưng Tĩu đã khiến cho chúng mang hình hài mới, sức sống mới và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại”.
Vừa qua, các tiểu cảnh từ tre của anh Tĩu đã đại diện cho sản phẩm văn hóa của xã Hà Bầu tham gia trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội cỏ hồng và Phiên chợ nông sản lần thứ III-năm 2019 của huyện Đak Đoa, gây bất ngờ cho rất nhiều du khách. Bà Kiều Thu Hương-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa-nhận xét: “Sản phẩm làm từ tre của anh Tĩu rất độc đáo, có thể dùng để làm quà lưu niệm, tạo dấu ấn cho du khách mỗi khi đến tham quan, vui chơi tại Đak Đoa nói riêng và Gia Lai nói chung”.
PHƯƠNG LINH