(GLO)- Hai hôm nay, do ảnh hưởng của bão số 5, trời Pleiku mưa gió dầm dề. Như thường lệ, ngoại tôi lại ngồi ôm chiếc radio màu xám vào lòng, mắt hướng ra khoảng sân trước nhà. Lòng ngoại rưng rưng với những thông tin thời sự phát ra từ chiếc đài cũ kỹ. Với một người tuổi đã ngoài 70, sức yếu như ngoại, những cảm xúc về cuộc sống đều gói gọn trong chiếc radio ấy.
Tôi ngồi bên, nghe rõ tiếng thở dài hắt ra của ngoại: “Sống trên đời ngần ấy năm, trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống nhưng cho đến bây giờ, ngoại mới thấy hết sự khốc liệt của dịch bệnh, nghiệt ngã của thiên tai. Mình được ngồi ấm yên trong nhà mà nghe đài, trong khi đó có bao con người ngoài kia đang hết lòng hết sức vì cuộc sống bình yên của người dân”. Ngoại tôi vẫn luôn nói như thế sau mỗi lần nghe những tin không vui được phát ra từ chiếc radio-vật bất ly thân của bà trong suốt 45 năm qua.
Chiếc radio màu xám ấy là kỷ vật của ông để lại cho bà sau ngày thống nhất đất nước. Từ chiến trường về, trong chiếc ba lô bạc màu của ông chỉ có vài bộ quần áo, một bi đông đựng nước và một chiếc radio nhỏ vừa bằng 2 bàn tay. Ông về với bà chưa được bao lâu thì mất vì bạo bệnh. Năm ấy, bà vừa qua tuổi 30, một nách 2 con nhỏ. Và cuộc sống dù có vất vả thế nào, nhưng suốt bao nhiêu năm, bà vẫn dành thời gian nghe đài, nâng niu, gìn giữ kỷ vật của ông để lại.
Suốt bao nhiêu năm, ngày làm việc cực nhọc thì đêm là khoảng thời gian ngoại dành cho mình với chiếc radio. Ngoại thường dò những kênh phát sóng quen thuộc như thời sự trong ngày hay dân ca, cải lương... để nghe tới khuya. Ngoại bảo, hôm nào nghe được những tin vui, những điều hạnh phúc, giấc ngủ tới thật nhẹ nhàng. Còn ngược lại, nếu thời sự trong nước đưa tin về tai nạn, về thiên tai... là cả đêm hôm ấy ngoại trằn trọc, khó ngủ. Chỉ tiếp xúc với xã hội ngoài kia thông qua chiếc radio nhưng ngoại luôn sống cùng cảm xúc, nỗi niềm chung.
Như những tháng ngày này, khi Gia Lai cùng với cả nước đang đồng lòng chống đại dịch Covid-19, ngoại ngày đêm trăn trở. Ngồi nơi góc giường nhỏ, ngoại mở đài lên, kéo thật cao ăng ten dò sóng, tiếng rọt rẹt quen thuộc cùng những giọng nói trầm ấm cất lên. Nhưng giờ đây, thay vì những chương trình văn hóa-văn nghệ thì ngoại lại đặc biệt quan tâm tới công tác phòng-chống dịch Covid-19. Hầu như ngoại không bỏ sót bản tin nào. Radio có sức hấp dẫn lạ kỳ. Giọng người đọc, người dẫn chuyện luôn mang lại cho thính giả nhiều cảm xúc. Nhiều hôm, nghe nữ phát thanh viên đọc bản tin về những người nơi tuyến đầu chống dịch, ngoại ngồi khóc lặng lẽ. Rồi có hôm, nghe tin số ca nhiễm trong nước giảm, ngoại phấn khởi nói cười cả ngày...
Khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng làm thay đổi kênh tiếp nhận thông tin của con người, từ radio qua cassette rồi ti vi đen trắng, ti vi màu và bây giờ là ti vi thông minh, điện thoại thông minh. Nhưng bao giờ tôi cũng thấy trên đầu giường của ngoại có chiếc radio cũ ấy. Ngoại cười hiền bảo vẫn thích nghe radio hơn. Nó giống như một thói quen khó bỏ và ngoại trân trọng giữ lại cái radio như kỷ niệm của cuộc đời mình. Chiếc radio ấy đã nối tâm tư của ngoại với cuộc sống thăng trầm bên ngoài kia. Lần nào được về với ngoại, tôi cũng dùng dằng muốn ở lại thật lâu, chỉ để vừa được nghe ngoại thủ thỉ những câu chuyện xửa xưa, vừa mân mê từng món đồ phủ màu năm tháng.
Giờ này, ngoại lại đang ngồi yên lặng, ánh mắt xa xăm nhìn ra khung cửa sổ, lặng lẽ bật chiếc radio nghe tin tức về công tác phòng-chống dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của cơn bão số 5. Ngoại nâng niu chiếc radio rồi nói với tôi: “Mong rằng, trong cơn sóng cả, chúng ta vẫn vững tay chèo”.
MAI KA