Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

Thời tiết giao mùa: Cảnh báo hiện tượng dông, sét và mưa đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng Năm giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ nên các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm.
Mưa đá làm hư hại cây cối hoa màu của bà con 2 xã Hang Kia và Pà Cò, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN phát)

Mưa đá làm hư hại cây cối hoa màu của bà con 2 xã Hang Kia và Pà Cò, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN phát)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo tháng Năm này là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ nên các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả là gây ra các trận dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ nửa cuối tháng Năm này, nền nhiệt có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C, số ngày nắng nóng có xu hướng gia tăng trên khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ so với năm 2023 và trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thời kỳ bắt đầu mùa mưa năm nay vào khoảng giữa tháng Năm. Thời điểm này được đánh giá là trễ hơn so với nhiều năm trước đó, từ khoảng 10-20/5 (trong khi trung bình mọi năm là từ 29/4 đến 10/5). Do đó, người dân cần đề phòng khả năng xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh trong những cơn mưa dông.

Kỹ năng và biện pháp phòng, chống

Hiện tượng dông, sét, mưa đá đã và đang gây nhiều thiệt hại về người và của tại một số địa phương. Mưa đá với kích thước hạt đá lớn, rơi với tốc độ nhanh từ trên trời có thể gây nguy hiểm khi đi ngoài trời, gây hư hỏng mái nhà, thiệt hại cho hoa màu. Do đó, việc phổ biến rộng rãi các biện pháp để mọi người biết cách phòng, chống dông, sét, mưa đá là cần thiết, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh, đề phòng rủi ro do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ra.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể. Đối với những khu vực tập trung đông người, khu du lịch; các cơ quan chức năng chủ động cắt tỉa cây xanh trong đô thị để đảm bảo an toàn...; chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai, củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở, sẵn sàng giúp dân khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân các nội dung như biện pháp tránh, trú đảm bảo an toàn khi xảy ra dông, lốc, sét và gia cố nhà ở, che chắn bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại; tổ chức trực, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai…

Tia sét trên bầu trời. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tia sét trên bầu trời. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phương pháp xác định vị trí của sét đó là cảm nhận cơ thể khi đang ở khu vực dông, mưa. Nếu thấy lông tay, tóc rung lên thì người dân đang có nguy cơ bị sét đánh. Người dân cần lưu ý khi có dấu hiệu cơn dông như mây đen, không khí lạnh và gió mạnh thì tìm nơi trú ẩn hoặc ở trong nhà không nên ra ngoài đường, không chạy cùng hướng với đường đi của cơn dông, lốc.

Người dân đang ở trong nhà cần đóng chặt và cài cửa ra vào, cửa sổ, núp dưới các vật nặng như gầm bàn, gầm giường, đề phòng lốc xoáy; nên trú ẩn vào những nơi chắc chắn. Đối với khu vực trường học, học sinh không trú ẩn ở những nơi như nhà để xe, thư viện...

Người dân chú ý hạn chế sử dụng điện thoại trong khi có dông, sét; trừ trường hợp cần thiết; tránh các chỗ ẩm ướt như phòng tắm, bể nước, vòi nước vì đó là các vật dễ bị sét đánh lan truyền; ngắt các thiết bị điện để tránh bị điện giật, hỏa hoạn, tắt cắt tạm thời các thiết bị điện; không đứng gần hoặc thò đầu ra ngoài cửa sổ, cửa chính và không được ở trên nóc nhà hoặc cây cối.

Người dân cần dùng các vật dụng cứng che đầu và tìm ngay nơi tránh trú tại những công trình kiên cố có mái che; không trú mưa dưới các gốc cây to, gò cao và nơi có nước; tìm nơi thấp hơn, khô ráo để tránh; tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, trạm biến áp, cột điện đường dây điện,… bởi vì chúng là những thứ thu hút sét.

Người dân không đứng thành nhóm người gần nhau tránh sét đánh lan. Trong trường hợp không thể tìm nơi trú ẩn, để phòng tránh sét, người dân nên tìm chỗ khô ráo, có vị trí càng thấp càng tốt. Hai tay bịt tai để tránh ảnh hưởng đến thính giác. Hai bàn tay chụm vào nhau và nhón chân lên để giảm tiếp xúc với mặt đất, không nằm sát xuống đất. Bên cạnh mối nguy hiểm trên, mưa đá còn có thể mang tới những mối nguy hại khác chẳng hạn mang theo độc tố, acid…

Nếu đám mây được hình thành từ những vùng nước độc, môi trường không sạch, những chất bẩn trong nước mưa có thể làm hại da người, gây dị ứng. Vì vậy, trước khi sử dụng nguồn nước có nhiễm nước mưa đá, người dân nên lấy mẫu nước, mang tới các trung tâm để kiểm tra chất lượng nước.

Ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống

Dông lốc kèm mưa đá xảy ra vào đêm mùng 4, rạng sáng 5/5 tại Cao Bằng đã khiến 1 người bị thương và gần 600 ngôi nhà bị hư hại. Các huyện chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn dông, lốc gồm (Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Hòa An, Quảng Hòa). Gần 600 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó riêng huyện Quảng Hòa có tới 480 nhà. Ngoài ra còn 2 trường học, 3 nhà văn hóa và nhiều công trình chuồng trại bị tốc mái. Dông, lốc, mưa đá cũng khiến hơn 50ha cây trồng bị gãy đổ, đường giao thông bị ách tắc do cây to bị đổ và 1 người bị thương.

Một nhà dân ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, bị sập đổ hoàn toàn sau trận dông lốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Một nhà dân ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, bị sập đổ hoàn toàn sau trận dông lốc. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước đó, trong tháng Ba và Tư vừa qua, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã liên tiếp xảy ra 4 đợt thiên tai (lốc, sét, mưa đá…) làm hơn 8.200 nhà ở bị hư hại; gần 1.500ha cây ngô, thạch đen, rau màu bị gãy đổ; 34 điểm trường, 4 trạm y tế bị tốc mái; 30 công trình văn hóa, nhà văn hóa xóm bị tốc mái, sập đổ. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 22,5 tỷ đồng.

Từ chiều 5/5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại nhà ở, trường học và thiệt hại khác. Trong đó, đáng chú ý, tại huyện Bắc Yên, thiên tai đã làm Trường Trung học Cơ sở xã Tạ Khoa bị ngập nước sâu.

Để đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ kéo dài, ngày 6/5, Trường Trung học Cơ sở xã Tạ Khoa đã cho học sinh nghỉ học. Trường này có 21 giáo viên, 197 học sinh, trong đó có 97 học sinh bán trú.

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, từ đêm 6 đến ngày 8/5, tỉnh Sơn La có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 60mm. Mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Đồng thời, mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp...

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trận mưa to kèm theo dông, lốc xảy ra đêm qua 30/4 vừa qua trên địa bàn tỉnh đã khiến một người tử vong do sét đánh; 76 nhà tốc mái; 69 ha lúa, ngô và cây lâm nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng. Ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn chuyển mùa. Các loại hình thiên tai như mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có diễn biến phức tạp, khó dự báo, cảnh báo. Đây là những loại hình thiên tai thường xảy ra trong thời kỳ chuyển mùa và đầu mùa mưa.

Từ đầu tháng Tư vừa qua đến nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa dông kèm theo lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại về tài sản.

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm gần đây (2014-2023), các loại hình thiên tai này xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 16 người chết và gây thiệt hại về kinh tế khoảng 226 tỷ đồng (trung bình 22,6 tỷ đồng/ năm).

Có thể bạn quan tâm