Sức khỏe

Thời tiết giao mùa, đi chơi lễ cần lưu ý gì để giữ sức khỏe?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cần uống đủ nước, bổ sung nước cam, nước chanh, hạn chế nằm điều hòa đối với trẻ nhỏ, có thể dự phòng một số loại thuốc đường tiêu hóa, thuốc say xe, hạ sốt...

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, chia sẻ: Năm nay, dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10.3 AL) và nghỉ lễ 30.4, 1.5 rơi vào những ngày cuối tuần là dịp để mọi người sum vầy và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và thời tiết đang chuyển mùa, thời điểm này mọi người càng không được lơ là với sức khỏe của bản thân và gia đình.

Dưới đây là những chia sẻ từ giúp bạn và gia đình có một kỳ nghỉ lễ an toàn, khỏe mạnh:

Phòng bệnh khi thay đổi thời tiết đặc biệt là cúm mùa

Bác sĩ Hồ Thanh Lịch cho biết: “Thời tiết chuyển mùa xuân sang hè, khiến những ngày qua số lượng người bệnh đến khám và điều trị vì bị nhiễm cúm gia tăng. Đặc biệt là thời tiết tại TP.HCM thay đổi thất thường càng làm tình trạng ca bệnh về đường hô hấp tăng nhanh đáng kể”.

Để chủ động phòng bệnh, bạn cần giữ chế độ ăn uống phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa; cần tăng cường các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin C, sữa chua.

Uống đủ nước, người lớn ít nhất hơn 2 lít/ngày, trẻ em ngoài sữa nên bổ sung thêm nước cam vắt, nước chanh.

Đặc biệt, không nên quá lạm dụng điều hòa, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ. Vì điều hòa có thể khiến niêm mạc mũi của trẻ bị khô, niêm mạc mũi của trẻ lại rất nhạy cảm nên rất dễ bị các loại virus cúm xâm nhập.


 

Bổ sung nước cam, nước chanh giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Bổ sung nước cam, nước chanh giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể. Ảnh: SHUTTERSTOCK


Cẩn trọng với việc sử dụng bia, rượu

Không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên thì tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ăn những món lạ hơn ngày thường khiến cho những bệnh hay gặp phải dịp nghỉ lễ như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón tăng lên… do các bữa ăn không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm không tốt.

Đảm bảo an toàn thực phẩm từng bữa ăn, đặc biệt khi đi chơi xa là điều vô cùng cần thiết, giúp mọi người đảm bảo sức khỏe, tránh các bệnh về tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Dự phòng một số loại thuốc đường tiêu hóa như: Buscopan 10 mg: (thuốc giảm co thắt đường tiêu hóa dành cho người lớn và trẻ trên 5 tuổi), Imodium (thuốc cầm tiêu chảy dành cho người lớn và trẻ trên 5 tuổi), Smecta (thuốc cầm tiêu chảy và bù dịch dành cho trẻ dưới 5 tuổi và cả người lớn).

Phòng tránh say xe

Những chuyến đi chơi xa, du lịch trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng đối với những người say xe. Để hạn chế say tàu xe, không nên ăn quá no trước khi bắt đầu hành trình.

Những người dễ say xe, có thể uống 1 viên thuốc chống say xe trước khi lên xe khoảng 40 phút. Người bị say nghiêm trọng thì có thể uống 2 viên, trẻ em cho uống ít hơn. Để có hiệu quả hơn, có thể uống thuốc với nước ấm hoặc bổ sung vitamin B1 để giảm thiểu khả năng bị say xe.

Khi lên xe, nếu bị say thì nên hạn chế nhìn vào những vật gần, màn hình điện thoại hoặc đọc sách. Hãy cố gắng nhìn ra các điểm càng xa càng tốt, tập trung tầm mắt vào những nơi xa bên ngoài cửa sổ xe có thể giúp não xác định các tín hiệu chính xác rằng bạn đang di chuyển.

Ngoài ra, có dùng một ít vỏ cam quýt tươi để ngửi, làm giảm cảm giác buồn nôn.

Luôn tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế


 

Nhiều người chủ động về quê sớm trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ. Ảnh: Trần Cường
Nhiều người chủ động về quê sớm trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ. Ảnh: Trần Cường


Ngoài ra, để giảm nguy cơ lây nhiễm, tái nhiễm Covid-19 cần hạn chế tụ tập đông người, khử khuẩn thường xuyên, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách an toàn với người khác (2 mét), thực hiện khai báo y tế đầy đủ.

Giữ tay luôn sạch là một trong những bước quan trọng nhất để bạn không bị nhiễm bệnh và gieo rắc mầm bệnh sang người khác. Hãy rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây.

Dùng khăn giấy che miệng và mũi mỗi khi bạn ho hoặc hắt hơi. Nếu không có sẵn khăn giấy, hãy dùng mu bàn tay hoặc khuỷu tay để che miệng, tránh dùng bàn tay.

 

Trang bị đầy đủ thuốc và trang thiết bị y tế cá nhân khi đi du lịch

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch gợi ý một số loại thuốc thông dụng để dự phòng và giữ an toàn trong những ngày lễ như

- Các nhóm thuốc điều trị rối loạn đường tiêu hóa: Buscopan 10 mg (thuốc giảm co thắt đường tiêu hóa), Imodium (thuốc điều trị tiêu chảy) hoặc Smecta (bù dịch, cầm tiêu chảy),...

- Thuốc giảm đau hạ sốt (dạng gói bột hoặc viên sủi hoặc viên nén) cho trẻ em và người lớn;

- Các loại thuốc chống dị ứng (Clarityne hoặc Cezil), chóng mặt, đau đầu, buồn nôn (Tanganil 500 mg);

- Các loại thuốc say xe (nếu cần);

- Các loại băng thun, băng quấn, băng keo cá nhân, cồn, Povidine, Oxy-già, bông gòn, que tăm bông, dầu nóng, dầu khuynh diệp, khăn lau mát,…Đối với những người có các bệnh lý nền (huyết áp, hen suyễn, đái tháo đường,...) thì cần mang theo đầy đủ thuốc hoặc gặp bác sĩ khám để nhận được tư vấn trước những chuyến đi dài ngày.


Theo LÊ CẦM (TNO)

Có thể bạn quan tâm