Giải trí

Thời trang

Thời trang Việt chuyển mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời trang Việt xuất hiện những điểm sáng đầy hy vọng sau thời gian khó khăn bởi những tác động của dịch bệnh lên thị trường toàn cầu.
 

 

Hồ Ngọc Hà vừa gây sốt mạng xã hội khi bất ngờ công bố một dự án thời trang bắt tay cùng nhà thiết kế Công Trí. Sự hợp lực của một người đã đem thương hiệu thời trang Việt ra thế giới là Nguyễn Công Trí với một biểu tượng thời trang Việt (fashion icon) là Hồ Ngọc Hà, tạo nên những hào hứng nhất định với giới fashionista (tín đồ thời trang) và cả người tiêu dùng.

Những cái bắt tay hợp thời

Ngoài danh hiệu Nữ hoàng giải trí, Hồ Ngọc Hà luôn là người duy trì phong độ ấn tượng với thời trang qua những trang phục cô lựa chọn. Phong cách thời trang của Hồ Ngọc Hà được nhiều đàn em học hỏi và lấy làm nguồn cảm hứng. Hồ Ngọc Hà còn thể hiện sự nhạy bén với lĩnh vực kinh doanh về làm đẹp khi cho ra đời dòng son môi được nhiều đối tượng phụ nữ yêu thích. Vì vậy, sự lấn sân của Hồ Ngọc Hà vào hoạt động kinh doanh thời trang chỉ là chuyện sớm muộn. Sự bắt tay của Hồ Ngọc Hà với nhà thiết kế Công Trí để tạo nên một dòng thời trang mới (không mang tên Công Trí) sẽ tạo nên những hào hứng và cả niềm tin vì tài năng của họ.

Những ngày gần đây, thương hiệu thời trang NakyPaky của Diệp Lâm Anh thu hút sự chú ý khi đánh vào sự cá tính của tín đồ thời trang. NakyPaky là thành quả hợp sức của Diệp Lâm Anh và nhà thiết kế Pông Chuẩn. Vốn xuất thân là "dân hip hop", Diệp Lâm Anh hiểu rõ nhu cầu thiết yếu của tín đồ thời trang hip hop trong khi nhà thiết kế Pông Chuẩn có lợi thế và kinh nghiệm của một stylist chuyên nghiệp. Vậy nên, trang phục của họ vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt không hề nhỏ.

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế tiêu dùng cả thế giới trong năm 2020 và thời trang Việt cũng chung cảnh ngộ. Tuy nhiên, chuỗi thời trang Sixdo mấy chục cửa hàng rải khắp từ Nam chí Bắc của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường thực sự gây chú ý. "Mục tiêu đưa Sixdo trở thành Zara ở Việt Nam, là một thương hiệu quốc gia với 100 cửa hàng trên cả nước. Với những điểm mạnh mà Zara không có, chúng tôi trở thành thương hiệu định hướng thời trang cho người Việt" - ông Huy Cận (CEO của Sixdo) cho biết.

Sixdo ra đời thậm chí làm lu mờ cả thương hiệu thời trang cao cấp mang tên Đỗ Mạnh Cường. Nhưng điều đó không hề gì bởi sự bắt tay của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường với một thương hiệu Việt (đã bán thương hiệu cũ cho Nhật Bản) để tạo nên Sixdo đã gặt hái thành công ngoài mong đợi khi đánh đúng vào tâm lý "thích đồ cao cấp nhưng nhạy cảm về giá" của người tiêu dùng, tức những thiết kế của Sixdo vẫn cao cấp nhưng giá cả phải chăng.


 

 Hồ Ngọc Hà vừa gây sốt mạng xã hội khi bất ngờ công bố một dự án thời trang bắt tay cùng nhà thiết kế Công Trí. Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Hồ Ngọc Hà vừa gây sốt mạng xã hội khi bất ngờ công bố một dự án thời trang bắt tay cùng nhà thiết kế Công Trí. Ảnh: PHÚC NGUYÊN


Dịch Covid-19 khiến nhiều "ông lớn" của ngành công nghiệp thời trang thế giới phải đối mặt với khủng hoảng. Từ nhà bán lẻ nhỏ lặng lẽ biến mất đến nhãn hàng lớn cũng liêu xiêu, nối bước nhau phá sản, cầm chừng, co cụm. Inditex - công ty mẹ của nhà bán lẻ Zara - tuyên bố sẽ đóng cửa 1.000-2.000 cửa hàng trong vòng 2 năm tới do doanh số sụt giảm.

Dù vậy, khủng hoảng nói trên không có nghĩa là tất cả giới kinh doanh trong ngành đều lâm vào ngõ cụt. Chính niềm đam mê thời trang và sự thanh lịch, gu thẩm mỹ sẵn có của khách hàng khiến Việt Nam trở thành một thị trường rất hấp dẫn và tiềm năng để các thương hiệu thời trang ở các phân khúc muốn có thêm nhiều cửa hàng khác trong tầm trung và dài hạn.

Không chỉ có nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường mà nhiều thương hiệu Việt khác cũng khuếch trương kinh doanh. Gia Studios của nhà thiết kế Lâm Gia Khang vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Hãng kính mắt phong cách tối giản Seeson đến từ Hà Nội cũng mở cửa hàng flagship (cửa hàng đầu tiên) tại TP HCM. Về lĩnh vực bán lẻ đa thương hiệu, Labels: đã kịp mở thêm một cửa hàng flagship với không gian 1.400 m2 trên đường Nguyễn Huệ sầm uất. Đồng thời Labels: cũng mở rộng thêm nhánh trang phục nam, mang đến sự đa dạng về các thương hiệu quốc tế tại thị trường Việt Nam.

Thời trang thì không thể dừng lại nên các thương hiệu Việt phải giải bài toán bộ sưu tập mới ra mắt trong điều kiện tiết kiệm nhất. Khi các show diễn kỹ thuật số (virtual show) được coi là giải pháp trình diễn bắt buộc trong mùa dịch cho hầu hết các nhà mốt trên thế giới, các nhà thiết kế tại Việt Nam cũng không hề chậm chân. Thương hiệu Gia Studios cho ra mắt show không khán giả vào đầu tháng 10. Thương hiệu Klei của stylist Kelbin Lei cũng chào sân với một show diễn tương tự được giới thiệu trực tuyến tại Thailand Fashion Week.

Luôn có cách để tồn tại và thời trang Việt đang tồn tại bằng sự sáng tạo và cả "liều lĩnh" để khẳng định giá trị bản thân trong cuộc đua với các thương hiệu đến từ bên ngoài.

 


Thu hút giới trẻ

Với sự thành công của chương trình Rap Việt, streetwear (thời trang đường phố) càng thêm vững mạnh. Thị trường streetwear trong nước tiếp tục phản ánh tầm ảnh hưởng sâu rộng từ sân chơi hypebeast (những người chạy theo trào lưu, xu hướng) và văn hóa pop trên thế giới đối với thế hệ Gen Z Việt Nam. Các địa điểm mua sắm phức hợp như The New Playground, The New District, A Zone, Lôcô Art Market... quy tụ nhiều thương hiệu streetwear với nhiều mức giá khác nhau, tạo nên một thị trường riêng sôi động thu hút giới trẻ.


Theo Thùy Trang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm