Chính trị

Tin tức

Thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 25-10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

 

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Ảnh: internet
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Ảnh: internet

Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với hệ thống tổ chức của Đảng, hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương, chính quyền địa phương và MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và Hội quần chúng. Trong đó, xác định nội dung nhiệm vụ có tính nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện, đó là: “Thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị, ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, ở địa phương trực tiếp là Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh”.

Việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy không phải là vấn đề mới trong xây dựng hệ thống chính trị mà đã được Đảng đề cập nhiều lần, ngay từ những ngày cả nước đang kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là vấn đề vừa có ý nghĩa lâu dài, vừa cấp thiết gắn với tổ chức, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 6 lần thứ 2 (khóa VIII) hay Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII)… Thông qua sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế, Đảng mới xây dựng được những tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, phát hiện và lựa chọn đội ngũ cán bộ có đức, có tài, loại bỏ những cán bộ yếu kém về năng lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống...

Nghị quyết lần này chỉ rõ: Thực hiện nguyên tắc xuyên suốt: “Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị, ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, ở địa phương trực tiếp là Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh”. Đây là nét mới, khẳng định trách nhiệm của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh trong tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Kết quả thực hiện Nghị quyết, những chỉ tiêu cụ thể Nghị quyết đã đề ra là tiêu chí quan trọng để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hay không đối với cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, trong đó trách nhiệm cá nhân là chủ yếu.

Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, “Bộ Chính trị ban hành kế hoạch thực hiện, tổ chức quán triệt Nghị quyết, xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc phải làm theo lộ trình, phân công cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết”. Đây là một trong không nhiều nghị quyết mà Bộ Chính trị xây dựng ban hành kế hoạch thực hiện, phân công đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quán triệt. Điều đó thể hiện rõ quyết tâm chính trị, thực hiện quan điểm chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.

Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các nội dung tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Chẳng hạn, từ năm 2018, thực hiện việc thống nhất văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện; hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và MTTQ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng tại những địa phương có đủ điều kiện…

Từ năm 2019, rà soát, sắp xếp các cơ quan trực thuộc cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định khung của Trung ương; giảm đầu mối bên trong các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh; sơ kết, tổng kết và tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp; chủ động thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã những nơi có điều kiện… Trong quý I-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Đồng thời, Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị cũng chính là khẳng định trách nhiệm cấp ủy và người đứng đầu trong thực hiện Nghị quyết. Quan điểm này của Nghị quyết nhằm khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức trong tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chưa thật rõ. Mặt khác, giải quyết việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức mạnh mẽ và đồng bộ; khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của Đảng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết sẽ tạo ra bước đột phá mới trong việc sắp xếp tinh giản, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.

Th.S Trần Đình Hiệp
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Có thể bạn quan tâm