Chính trị

Thông tin mới về Kỳ họp bất thường lần thứ 9, khai mạc ngày 12/2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đảng ủy Chính phủ đề nghị Đảng ủy Quốc hội chỉ đạo bổ sung một số nội dung quan trọng, cấp bách vào chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để trình Quốc hội thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tạo sự đồng thuận cao nhất

Sáng 6/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu mở đầu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là Hội nghị đầu tiên giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ sau khi có Quyết định thành lập của Bộ Chính trị.

Phiên họp này rất quan trọng để rà soát công việc chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội Khóa XV, dự kiến khai mạc ngày 12/2, nhằm bảo đảm cao nhất về chất lượng, tạo sự đồng thuận cao nhất trong quyết định các nội dung, chương trình kỳ họp và công tác nhân sự.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong bối cảnh Trung ương và địa phương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 18, sắp xếp bộ máy, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đã hết sức nỗ lực làm việc ngày đêm với tinh thần trách nhiệm rất cao, phối hợp rất chặt chẽ trong chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.

Ngày 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, cho ý kiến về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết và cơ bản thống nhất cao với các nội dung được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội, phải tạo sự thống nhất để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh tinh thần tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, tập trung cao độ cho sự phát triển của đất nước; đồng thời, phát huy kinh nghiệm, cách làm của các kỳ họp gần đây. Hai bên đã phối hợp rất tốt, nay phải tốt hơn nữa; đã chân thành, trách nhiệm cao, nay phải chân thành cao hơn nữa, trách nhiệm cao hơn nữa vì sự phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bổ sung một số nội dung quan trọng, cấp bách

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến khai mạc ngày 12/2 và bế mạc 18/2. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; xem xét, quyết định 4 nội dung khác thuộc thẩm quyền.

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu; đồng thời chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách.

Ông Sơn cho biết, đến sáng 5/2, Chính phủ đã hoàn thiện 8/10 hồ sơ, tài liệu gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn 2/10 hồ sơ đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều ngày 10/2.

Để thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các kết luận của Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và các báo cáo bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy Chính phủ đề nghị Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua một số nội dung quan trọng, cấp bách.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Về tờ trình đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, đây là đề án quan trọng, cần được Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại kỳ họp lần này để kịp thời hoàn thiện thể chế pháp luật, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Từ đó góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đảng ủy Chính phủ cũng đề nghị bổ sung một số nội dung quan trọng, cấp bách, trình Quốc hội thông qua theo trình tự rút gọn, như: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...

Theo Luân Dũng (TPO)

Có thể bạn quan tâm