Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Thông tin nào sai sự thật trong tranh luận Biden - Trump?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đài CNN đã hứng chịu chỉ trích khi cặp đôi dẫn chương trình không đính chính những tuyên bố sai sự thật trong tranh luận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ Donald Trump.

Sau buổi tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ, diễn ra vào ngày 27.6, giới phân tích chỉ ra Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có nhiều tuyên bố sai sự thật hoặc dễ gây hiểu nhầm.

Một yếu tố khác được nhắc đến là công tác điều phối buổi tranh luận từ Đài CNN. Tờ The Hill cho hay CNN đang hứng chịu chỉ trích do cặp đôi dẫn chương trình Jake Tapper và Dana Bash đã không phản biện thông tin sai lệch hoặc chưa rõ ràng từ những tuyên bố của ông Trump và ông Biden.

Tổng thống Joe Biden (trái) và người tiền nhiệm Donald Trump tranh luận ngày 28.6. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Joe Biden (trái) và người tiền nhiệm Donald Trump tranh luận ngày 28.6. Ảnh: REUTERS

Người dẫn chương trình nhiều lần tiếp tục đặt câu hỏi mới khi ứng viên chưa sử dụng hết thời gian phát biểu hoặc chưa trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.

Ông David Chalian, giám đốc mảng chính trị của CNN, giải thích rằng buổi tranh luận không phải thời điểm phù hợp để trực tiếp kiểm chứng thông tin, và nhiệm vụ của hai người dẫn chương trình là tạo điều kiện cho 90 phút tranh biện diễn ra suôn sẻ.

Dù vậy, theo The Guardian, việc không đính chính trực tiếp các tuyên bố sai sự thật, mà phần lớn đến từ ông Trump, đã đẩy Tổng thống Biden vào thế khó khi phải phản biện lại những lời nói dối.

“Điều xảy ra trong những ngày tới là họ sẽ kiểm chứng mọi điều mà ông ấy (Trump) nói. Tôi chẳng nghĩ ra được điều gì ông Trump nói ra lại là sự thật”, Ông Biden phát biểu sau buổi tranh luận tại sự kiện gây quỹ ở thành phố Atlanta, bang Georgia.

Dưới đây là một số tuyên bố của ông Trump và ông Biden mà bị coi là sai sự thật hoặc gây hiểu lầm.

Các tuyên bố về kinh tế

Ông Trump nói rằng trong nhiệm kỳ của mình, nước Mỹ đã trải qua đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, trang Politifact chuyên kiểm chứng các phát ngôn của giới chức Mỹ cho hay tuyên bố của ông Trump là sai sự thật.

Dự luật giảm thuế được ông Trump thông qua năm 2017 là đợt cắt giảm lớn thứ 4 kể từ năm 1940, sau khi điều chỉnh tỷ giá lạm phát. Trong khi đó, tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đợt cắt giảm này xếp thứ 7, theo số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ.

Theo The New York Times, ông Biden cũng đã đề cập rằng có 1.000 tỉ phú tại Mỹ đang chỉ phải đóng thuế 8,2%. Đây bị xem như thông tin gây hiểu lầm. Ông đang muốn nhắc đến một báo cáo của Nhà Trắng năm 2021, theo đó đánh giá về lợi nhuận thu được từ cổ phiếu chưa bán - vốn chưa bị đánh thuế. Báo cáo ước tính mức thuế thu nhập liên bang trung bình mà 400 gia đình giàu có nhất ở Mỹ phải trả là 8,2%.

Người dân tại thành phố San Diego, bang California xem buổi tranh luận được phát trên truyền hình. Ảnh: REUTERS
Người dân tại thành phố San Diego, bang California xem buổi tranh luận được phát trên truyền hình. Ảnh: REUTERS

Theo luật hiện hành, 1% người có thu nhập cao nhất tại Mỹ phải trả mức thuế trung bình là 20%. Nhà Trắng cho rằng báo cáo của mình phản ánh chính xác hơn tình hình đóng thuế của những người giàu.

Vụ bạo loạn Đồi Capitol

Tuy nhiên đây là tuyên bố sai sự thật. Bà Pelosi, trong một video ngắn, nói rằng: “Tôi chịu trách nhiệm vì đã không để họ chuẩn bị thêm”, đề cập đến lực lượng an ninh bảo vệ Đồi Capitol. Theo Politifact, không một thành viên nào của Quốc hội Mỹ có quyền điều động Vệ binh Quốc gia ở Washington D.C. Chỉ tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Lục quân mới có quyền này.

“Làm sao ông ấy (Trump) có thể chỉ trích người khác về vụ việc ngày 6.1 mà không tự chỉ trích chính mình là người đã kích động cuộc bạo loạn”, bà Pelosi viết trên mạng xã hội X sau buổi tranh luận.

Quyền phá thai

Theo CNN, cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng “mọi người dân Mỹ” đều muốn lật ngược án lệ Roe v Wade về quyền phá thai và để mỗi tiểu bang tự quyết định chính sách phá thai.

Tuy nhiên, một số khảo sát chỉ ra hơn phân nửa số người được hỏi phản đối phán quyết đảo ngược quyền phá thai của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022. Thăm dò của CNN hồi tháng 4 cho thấy 65% người không ủng hộ quyết định của tòa án, trong khi theo khảo sát của Gallup hồi năm 2023, 61% người trưởng thành coi lật ngược Roe v Wade là quyết định tồi tệ.

Tại buổi tranh luận, ông Trump cũng nói rằng đảng Dân chủ muốn “tước đi mạng sống” của đứa trẻ khi thai kỳ 8, 9 tháng, thậm chí sau khi sinh. Tuy nhiên, cố ý giết hại trẻ sơ sinh là tội bị cấm tại mọi tiểu bang.

Các vấn đề đối ngoại

Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông là nhà lãnh đạo duy nhất có nhiệm kỳ mà không quân nhân Mỹ nào thiệt mạng ở nước khác. Tuyên bố này bị bác bỏ, khi 11 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết tại Afghanistan, vào giai đoạn Mỹ rút quân năm 2021.

Ngoài ra, 3 binh sĩ Mỹ khác thiệt mạng tại Jordan năm nay khi một tiền đồn Mỹ bị những nhóm phiến quân tập kích. Bên cạnh đó, còn những quân nhân thiệt mạng trong quá trình huấn luyện tại nước ngoài.

Trong một vấn đề khác, ông Donald Trump tuyên bố rằng Iran “không còn tiền” để tài trợ lực lượng Hamas hay các lực lượng thân Iran. Các lệnh cấm vận Tehran trong nhiệm kỳ của ông Trump đã tác động đáng kể đến kinh tế Iran, khiến dự trữ ngoại hối của Iran giảm mạnh từ 128 tỉ USD năm 2015 xuống còn 15 tỉ USD năm 2019. Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis (Mỹ) đã chốt dự trữ ngoại hối của Iran năm nay là 31 tỉ USD. Theo các chuyên gia, nhận định công bằng thì ông Trump có thể tuyên bố các quyết sách của mình đã khiến Iran gặp khó khăn, thay vì phóng đại rằng đã chặn đứng hoàn toàn khả năng tài trợ của Tehran.

Về tình hình Ukraine, ông Trump lên án tổng thống đương nhiệm đã chi hàng trăm tỉ USD cho Kyiv, khẳng định nếu chiến thắng bầu cử, ông có thể giải quyết xung đột Nga-Ukraine mà chưa cần đợi đến ngày nhậm chức. Trong khi đó, Tổng thống Biden cho rằng chiến thắng dành cho đối thủ đảng Cộng hòa sẽ khiến Moscow mở rộng quy mô xung đột.

Có thể bạn quan tâm