Bạn đọc

Thông tin tiếp bài Cấp trường- cấp tỉnh: Đâu là chuẩn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi bài viết “Cấp trường, cấp tỉnh: Đâu là chuẩn?” đăng tải trên báo Gia Lai ngày 10-6, một giáo viên dạy Vật lý Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) ở địa chỉ mail Phanthio…@rocketmail.com đã có bài viết phản hồi nhiều mặt về vấn đề này.
Tuy nhiên, phản hồi chứa đựng nhiều nghịch lý nói trên cũng khiến người đọc không khỏi băn khoăn.
“Thần đồng”… lao đao
Theo phản hồi của giáo viên này, “những học sinh muốn giải bài thi học sinh giỏi các cấp, ngoài việc phải nắm kiến thức bộ môn ra thì các em còn phải học vượt chương trình so với các bạn cùng lớp vì đề thi học sinh giỏi lớp 9 hầu hết đều nằm trong chương trình cấp III, có một số bài trong đề thi Đại học, bởi đây là công việc đào tạo thần đồng mà”.
Ảnh minh họa
Trao đổi với phóng viên xung quanh luận điểm này, ông Nguyễn Chớ- Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, khẳng định: “Làm sao có chuyện đề thi học sinh giỏi lớp 9 hầu hết nằm trong chương trình cấp III hay trong đề thi Đại học được. Nói vậy là hoàn toàn sai!”. Theo ông Chớ, đề thi học sinh giỏi lớp 9 vẫn nằm trong chương trình nhưng yêu cầu về độ khó cao hơn mức trung bình và khá của chuẩn kiến thức kỹ năng.
Một luận điểm khác của giáo viên này cũng được cho là không đúng với thực tế khi nói rằng: “Nhiều em học giỏi môn tự nhiên thường có chung một căn bệnh lười học thuộc chi tiết mà ở môn Vật lý chủ yếu kiểm tra mức độ học thuộc lý thuyết của các em…”, hoặc: “Đạt thành tích ở thi học sinh giỏi chỉ giúp các em thi tốt vào trường chuyên chứ chưa hẳn là sẽ có điểm tổng kết cao, vì muốn điểm cao phải thuộc chắc và sâu kiến thức sách giáo khoa”.
Theo một giáo viên Vật lý có kinh nghiệm của một trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku, học sinh muốn làm được bài tập thì phải nắm vững lý thuyết, không thể có chuyện học sinh chủ yếu đạt điểm bài tập mà không đạt điểm lý thuyết do lười học bài. Thực tế, nói học sinh các môn tự nhiên lười học lý thuyết là phiến diện, bởi với trường hợp của 2 em Lê Mai Thy và Bạch Thủy Tiên (lớp 9/5, đã được nhắc đến trong bài báo trước), điểm 2 môn tự nhiên khác là Toán và Hóa học đều đạt trên 9,0, thậm chí ở môn Lịch sử- môn đòi hỏi học sinh phải học thuộc 100%- thì em Mai Thy vẫn đạt 9,0.
Cũng theo giáo viên Vật lý- Trường THCS Phạm Hồng Thái, “nhiều học sinh tổng kết môn Vật lý trên 9,0 nhưng thi chuyên chỉ đạt điểm kém, ngược lại nhiều học sinh thi học sinh giỏi đạt giải cao nhưng tổng kết lại thấp, bởi một lẽ điểm tổng kết là đánh giá sự tiếp thu chương trình chuẩn còn thi học sinh giỏi, các em làm theo cách của học sinh, cách để phát hiện người tài giỏi. Nhiều em dùng cách giải vượt chương trình theo thói quen, vì vậy không thể được công nhận khi chấm ở chương trình chuẩn đang học”.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku cũng cho rằng không hợp lý; lẽ ra, với một bài tập phải qua nhiều bước theo hướng dẫn chấm nhưng học sinh có cách giải thông minh, giản lược thì cần phải khuyến khích. “Tất cả các đề thi đều có hướng dẫn chấm và biểu điểm, người chấm vận dụng hướng dẫn này một cách phù hợp nhất để đánh giá đúng trình độ, năng lực, kỹ năng của học sinh, học sinh nào có giải pháp hay thì phải được công nhận. Nếu giáo viên chấm cứng nhắc như máy thì chỉ cần thi trắc nghiệm chứ không cần thi tự luận”- ông Chớ phân tích. Có thể thấy, với cách chấm bài kiểu này, những “thần đồng” nói trên (theo cách gọi của cô giáo Vật lý- Trường THCS Phạm Hồng Thái) không thể tránh khỏi cảnh… lao đao. Trong khi đó, “nhiều và rất nhiều học sinh khác chỉ cần siêng năng cần cù một tí là đạt điểm giỏi, giỏi xuất sắc ngay”- theo như giáo viên này nhận định.
“Đáng tiếc!”
Tuy nhiên, trao đổi thêm về những nguyên nhân khiến nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh nhưng không đạt danh hiệu này ở cấp trường, ông Nguyễn Chớ cho rằng không thể không nhìn nhận một số trường hợp “học sinh có tư chất nhưng do chủ quan nên hay bị những lỗi không đáng có trong lúc làm bài”. Đây là thực tế đã từng xảy ra đối với một số trường hợp học sinh giỏi, vì chủ quan nên kém tập trung ở lớp khiến số điểm tổng kết không được như ý, trong khi đó kỳ vọng của gia đình vào các em quá lớn nên thường gây ra sự thất vọng.
Ngoài ra, theo ông Chớ, hiện nay Bộ chỉ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 chứ không còn tổ chức các kỳ thi tương tự cho học sinh lớp 5 và lớp 9; song, để chuẩn bị nguồn cho lớp 12, tỉnh ta vẫn tổ chức thi và cấp giấy chứng nhận học sinh giỏi lớp 9. “Theo tôi, không nên chứng nhận các em là học sinh giỏi cấp tỉnh, mà chỉ nên cấp giấy chứng nhận là học sinh năng khiếu, vì từ năng khiếu đến giỏi còn là một khoảng cách khá xa, mà năng khiếu thì không bền vững”- ông Chớ nêu quan điểm. Sự thiếu bền vững này cũng được cho là nguyên nhân gây ra phong độ thất thường của nhiều học sinh.
Tuy nhiên, ông Chớ cũng cho biết trong năm học tới sẽ làm việc và trao đổi với các đơn vị trường học trong công tác quản lý chuyên môn để có sự nhìn nhận phù hợp hơn về hướng dẫn chấm và biểu điểm, tránh cứng nhắc, gây thiệt thòi cho học sinh, trong đó có nhiều học sinh giỏi.
Liên quan đến trường hợp 2 học sinh lớp 95 nói trên, thầy Lê Ngọc Lộc- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hùng Vương, cho biết: Theo Thông tư 82 của Bộ Giáo dục-Đào tạo, học sinh muốn đăng ký thi vào trường chuyên với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ thì các môn này phải đạt điểm trung bình cả năm ở lớp 9 từ 7,0 trở lên; đối với các môn chuyên khác thì phải đạt từ 8,0 trở lên. Do đó, trường hợp của 2 học sinh nói trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của trường hoặc của Sở nên không thể được xem là “ngoại lệ” để được nộp hồ sơ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp chuyên Vật lý của trường.
Thầy Lộc nhận định: “Đây là những trường hợp rất đáng tiếc, vì thực tế số học sinh vào hệ chuyên của trường không nhiều em có giải học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc cấp thành phố”.
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm