Pháp luật

Tin tức

Thu giữ và tiêu hủy hàng chục ngàn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong ngày 24 và 25-8, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành trong nước đã tiến hành thu giữ, tiêu hủy hàng chục ngàn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc; đồng thời hoàn thiện hồ sơ để xử lý chủ các cơ sở vi phạm.

Ngày 24-8, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp cùng Đội Quản lý Thị trường số 5-Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lào Cai đã phát hiện 1 lô hàng có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu kiểm tra hành chính trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Lào Cai thu giữ gần 1,4 tấn bánh dẻo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh Tổng cục Quản lý Thị trường
Lào Cai thu giữ gần 1,4 tấn bánh dẻo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh Tổng cục Quản lý Thị trường

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong lô hàng gồm 270 thùng bìa giấy, bên ngoài ghi chữ nước ngoài. Trong thùng bìa giấy có tổng số hơn 54.000 sản phẩm là bánh dẻo các loại gồm: bánh dẻo nhân đậu phộng, bánh mè, bánh dẻo nhân khoai môn, bánh dẻo nhân đậu đỏ. Tổng trọng lượng là 1,35 tấn. 

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Phan Văn Thiên (SN 1985, trú tại thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai) không xuất trình được giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc của lô hàng kể trên. 

Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ lô hàng và yêu cầu chủ lô hàng về trụ sở để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

* Cùng ngày, Đội Quản lý Thị trường số 6 phối hợp với Đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đội 389 tỉnh Lạng Sơn) đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh trên (địa chỉ số 61 Đường Bắc Sơn, phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang bày bán 4 loại hàng hóa thuộc nhóm hàng thực phẩm bao gói sẵn sản xuất ngoài Việt Nam. Trong đó có 720 chiếc bánh Trung thu nhân đậu xanh (loại 30 gr/chiếc), 2.000 xúc xích cay ăn liền (loại 40 gr/chiếc), 2.400 xúc xích bi ăn liền (loại 22 gr/túi), 1.600 chiếc chân gà cay ăn liền (loại 32 gr/chiếc). 

Ngoài ra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.000 khẩu súng nhựa đồ chơi trẻ em không đảm bảo an toàn sử dụng. Toàn bộ số hàng hóa nêu trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. 

Tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên là gần 20 triệu đồng. Ngoài mức phạt hơn 10,7 triệu đồng, Đội Quản lý Thị trường số 6 buộc hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hằng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên trước sự giám sát của lực lượng chức năng.

* Cũng trong sáng 24-8, Đội Quản lý Thị trường số 13, TP. Hà Nội đã phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng-chống tội phạm về môi trường-Công an TP. Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). 

Theo đó, tổ công tác phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh Trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ sở hữu toàn bộ số hàng trên được xác định là Nguyễn Thị Bích N. (SN 1993, quê Quảng Ninh). Chị N. cho biết đã thu mua các loại bánh Trung thu trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. 

Hiện cơ quan chức năng đã tạm giữ hoàn toàn lô hàng trên và tiếp tục củng cố tài liệu xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

* Ngày 25-8, Đội Quản lý Thị trường số 1-Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tiền Giang cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở sản xuất bánh Trung thu vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Kết quả kiểm tra, các cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ tự công bố sản phẩm và đảm bảo các điều kiện sản xuất bánh Trung thu như nguồn nước, trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất bánh, tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất... 

Tuy nhiên, các cơ sở này có hành vi vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất bánh trung thu. Cụ thể, người trực tiếp sản xuất không có ủng, giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm đối với các hộ kinh doanh nêu trên để hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt vi phạm chính theo thẩm quyền.

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm