Kinh tế

Thu hút đầu tư: Lựa chọn chiến lược hợp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2023 dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế. Vì vậy, thu hút các dự án phù hợp theo sẽ là chiến lược hợp lý nhất của Gia Lai trong thời điểm này.

Mặc dù khó khăn chồng chất do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song trong 2 năm (2020-2021), Gia Lai đã có 105 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 65.147 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh có thêm 14 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ: Những năm qua, Gia Lai đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tỉnh đã có cơ hội tiếp nhiều nhà đầu tư có năng lực về tài chính như: Công ty TNHH Meiwa Việt Nam, Công ty TNHH Phú Thái Holdings, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, Công ty cổ phần Shinec, Công ty cổ phần Eurowindow Holding, Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành… Ngoài ra, tỉnh đã làm việc với các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Ấn Độ, Cuba, Phần Lan, Hà Lan, Hàn Quốc... hứa hẹn nhiều triển vọng về thu hút đầu tư.

Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để triển khai dự án. Ảnh: Hà Duy

Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để triển khai dự án. Ảnh: Hà Duy

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi tháng 3-2022, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan đánh giá rất cao những lợi thế, tiềm năng của Gia Lai. Đồng thời cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất quan tâm đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông. Hy vọng Gia Lai và Hàn Quốc sẽ có sự hợp tác trong tương lai ở các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đang “trì kéo” công tác thu hút đầu tư như: chưa xây dựng được các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao; số lượng doanh nghiệp còn ít, quy mô quá nhỏ; tiềm năng du lịch nhiều nhưng chưa được khai thác tốt; tăng trưởng và chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, năng lực cạnh tranh còn thấp; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều năm liền chưa có dự án đầu tư FDI nào lớn vào tỉnh... Bên cạnh đó, Gia Lai vẫn là tỉnh nghèo, đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; một số mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp…

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2023, Gia Lai vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng và cả tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Những khó khăn đó cũng sẽ tác động đến công tác thu hút đầu tư. Song, với phương châm “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, tỉnh ta đã chủ động đề ra những giải pháp “vừa sức” để tăng hiệu quả của công tác thu hút đầu tư như: tập trung xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực thực thụ; tích cực tham gia kiến tạo những chuỗi cung ứng; tập trung sản xuất tinh chế và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngày 15-11-2022, Chính phủ ra Nghị quyết số 152/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, chú trọng các lợi thế đặc trưng như phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, quy mô lớn và thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển các ngành dịch vụ, hậu cần, logistics; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng và các nhiệm vụ trọng tâm khác… Đây là cơ sở để Gia Lai tin tưởng hơn vào công tác thu hút đầu tư trong thời gian tới.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm