Kinh tế

Thu hút đầu tư năm 2016: Ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong năm 2016, tỉnh ta vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư và ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, phù hợp với quy hoạch, nhất là các dự án sử dụng công nghệ cao, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên.

 Nhà máy nước của Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku. Ảnh: D.L
Nhà máy nước của Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku. Ảnh: D.L

Trong 5 năm qua, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của vùng được Chính phủ ban hành, tỉnh ta đã thu hút được 64 dự án với tổng vốn đăng ký 15.660 tỷ đồng, trong đó có 34 dự án đã xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động với tổng mức đầu tư 7.070 tỷ đồng. Riêng năm 2015, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký gần 670 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư lớn như: dự án khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng thủy điện Plei Keo của Công ty TNHH một thành viên Trang Đức, vốn đầu tư 200 tỷ đồng; dự án nhà máy chế biến thức ăn gia súc và nhà máy xay xát tinh bột của Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát, vốn đầu tư 350 tỷ đồng...

Từ khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, có 2 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định là dự án chăn nuôi bò thịt của Công ty cổ phần Như Khang, vốn đầu tư gần 31 tỷ đồng và dự án bến xe khách huyện Phú Thiện của Công ty TNHH Đức Lâm, vốn đầu tư 18,664 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã cấp chứng nhận đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn 2.904 tỷ đồng. Đơn vị chức năng cũng đã cấp đăng ký thành lập mới 250 doanh nghiệp với tổng vốn 749 tỷ đồng và 261 đơn vị trực thuộc các công ty. So với cùng kỳ năm 2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng không đáng kể về số lượng (250/246 doanh nghiệp, tăng 1,6%) nhưng giảm mạnh vốn đăng ký (749 tỷ đồng/2.847 tỷ đồng, giảm 73,69%). Ngoài ra, số doanh nghiệp giải thể cũng tăng. Tới thời điểm này, toàn tỉnh đã có 50 doanh nghiệp thuộc các loại hình và 32 chi nhánh, văn phòng đại diện bị giải thể (tăng 33,3% so với năm 2014).

 

Lãnh đạo tỉnh tham quan Nhà máy Cấp nước Biển Hồ. Ảnh: D.L
Lãnh đạo tỉnh tham quan Nhà máy Cấp nước Biển Hồ. Ảnh: D.L

Có thể thấy, thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều dự án mới được đầu tư vào tỉnh với quy mô lớn, phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Các nhà đầu tư mới đến với Gia Lai có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2011-2015 và mở ra định hướng phát triển cho giai đoạn 2016-2020. Theo kế hoạch triển khai chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 của tỉnh tại Văn bản số 4996/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự ký ngày 9-11-2015, được xây dựng trên quan điểm: Đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV đề ra, đưa công tác xúc tiến đầu tư đi theo một thể thống nhất về bộ máy trên cả nước; tạo môi trường chiến lược để phát huy sự quan tâm từ nguồn lực xã hội đến công tác xúc tiến đầu tư và tạo mối liên kết liên ngành, liên vùng nhằm phát huy được thế mạnh của các khu vực có nét đặc thù riêng. Bên cạnh đó kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch, văn hóa và các chương trình tuyên truyền đối ngoại.

Theo đó, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, Gia Lai tiếp tục kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp chất lượng cao, các dự án đi vào chiều sâu (chuyên canh, thâm canh) nhằm đưa chất lượng, giá trị của sản phẩm trên đơn vị diện tích ngày càng cao; ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất với các dự án chế biến các loại cây công nghiệp và sản phẩm chủ lực, như: cà phê, chè, cao su, du lịch, dịch vụ. Đặc biệt ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên. Đồng thời sẽ đa dạng hóa các hình thức kêu gọi và xúc tiến đầu tư, thực hiện nhiều hình thức đầu tư để nhà đầu tư lựa chọn. Căn cứ vào nhu cầu và khả năng của địa phương, tỉnh Gia Lai dự kiến thực hiện 16 hoạt động trong 8 nội dung xúc tiến đầu tư năm 2016 với tổng kinh phí 925 triệu đồng, trong đó đề xuất chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia là 250 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 675 triệu đồng.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm