Kinh tế

Thu hút đầu tư: Phải bằng việc làm thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong lĩnh vực kinh tế, thu hút đầu tư là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của các ngành, địa phương cũng như cả nước. Thông qua hoạt động đầu tư, tiềm năng thế mạnh của ngành, địa phương mới được khai thác, phát huy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Khảo sát, điều tra đã đưa đến kết luận: Tiềm năng thế mạnh của Gia Lai là rừng, đất rừng, thủy điện, cây công nghiệp dài ngày, du lịch, dịch vụ, khai thác khoáng sản… Với ý nghĩa đó và là tỉnh có điểm xuất phát thấp thì công tác xúc tiến thu hút đầu tư phải được đặc biệt coi trọng. Thông qua công tác này, các doanh nghiệp (DN) đến đầu tư làm ăn phát triển, góp phần hiện đại hóa hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, điều Gia Lai vốn còn rất hạn chế. Vậy thực trạng của công tác này ở tỉnh ta là như thế nào?

 

Lễ khởi công xây dựng trung tâm mua sắm Nguyễn Kim-Gia Lai.
Lễ khởi công xây dựng trung tâm mua sắm Nguyễn Kim-Gia Lai.

Theo báo cáo ngành chức năng, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta thu hút 64 dự án với tổng vốn đăng ký 15.660 tỷ đồng, trong đó 34 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động với tổng mức đầu tư  7.070 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, tỉnh cấp quyết định đầu tư cho 2 dự án cùng 7 dự án khác với tổng vốn đăng ký 3.214 tỷ đồng. Ngoài ra, 250 DN với tổng vốn 749 tỷ đồng đăng ký thành lập mới cùng với 262 đơn vị trực thuộc các công ty. Con số này cho thấy so với năm trước, số DN đăng ký thành lập mới tăng không đáng kể về số lượng (250/246 DN, tăng 1,6%), nhưng giảm mạnh về vốn đăng ký (749/2.847 tỷ đồng), chưa kể số DN giải thể phá sản do làm ăn thua lỗ cũng tăng lên (50 DN và 32 chi nhánh/văn phòng đại diện giải thể, tăng 33,3% so với năm trước).

Có thể do công tác này đối với người trong ngành hoặc liên quan chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm và năng lực. Có thể do tình hình kinh tế đất nước còn chưa ra khỏi khó khăn nên hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đối với tỉnh nhà hạn chế. Có thể vì đầu tư ở Gia Lai chưa thật thuận lợi do đường sá xa xôi, xa cảng biển, chưa có đường sắt, trình độ lao động không cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ hạn chế. Có thể thủ tục hành chính, cơ chế chính sách của địa phương chưa thực sự khuyến khích, hấp dẫn,… Vâng, có thể có nhiều nguyên nhân nữa, song khi đề cập đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì ta có thể hiểu rõ hơn về điều này.

Trên khía cạnh tự thân của địa phương, trả lời báo chí, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Năm 2015, chỉ số PCI của Gia Lai là 56,16 điểm, thấp hơn năm trước 1,8 điểm và thấp hơn năm 2013 là 0,34 điểm; xếp 48/63 tỉnh thành và xếp thứ 3 khu vực Tây Nguyên. Chỉ số PCI của Gia Lai năm 2015 có 5 chỉ số thành phần thấp hơn điểm chung của cả nước. Đó là các chỉ số chi phí gia nhập thị trường, chi phí về thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh và chỉ số về đào tạo lao động.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến PCI Gia Lai xuống thấp vì: chưa xây dựng được hệ thống một cửa liên thông hiện đại; quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương khi giải quyết công việc cho DN chưa tốt; các cấp, các ngành chậm cập nhật, thống kê, trình công bố, triển khai thường xuyên các thủ tục hành chính. Năng lực cán bộ hạn chế và công tác thanh tra, kiểm tra nhập nhằng chồng chéo, mất thời gian, gây ức chế, khó khăn và phiền hà cho DN.

Có nhiều ý kiến tâm huyết trước thực trạng không lấy gì làm vui của công tác xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Bởi tình hình khác xa so với 10 năm về trước, trong khi lý lẽ của cuộc sống là phải phát triển, tiến lên. Khi đó, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh là hoạt động được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm, dư luận ủng hộ và đánh giá cao, cả DN và nhân dân đều phấn chấn. Tỉnh ta đã tiến hành hội nghị xúc tiến đầu tư 1 lần ở Hà Nội, 2 lần ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn tổ chức các hội nghị hợp tác toàn diện với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Định, Phú Yên. Đó là chưa kể 3 lần hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên, một số bộ, ngành phối hợp tổ chức (lần 1 tại Đak Lak, lần 2 tại Gia Lai và lần 3 mới đây tại Lâm Đồng).

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh trên cơ sở đồng thuận và thống nhất cao về nhiệm vụ đẩy mạnh thu hút đầu tư, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chung tay gánh vác trọng trách (bằng việc từng ngành ký thỏa thuận hợp tác, liên doanh, liên kết, phát huy vai trò chức năng, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phối hợp giải quyết các phần việc liên quan) nên cùng với  3 lần tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác toàn diện với đầu tàu kinh tế, văn hóa của đất nước đã có tác dụng thúc đẩy kinh tế Gia Lai nói chung, lĩnh vực đầu tư của tỉnh nói riêng có sự chuyển động đáng khích lệ. Đó là chưa kể việc duy trì tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe kiến nghị, đề xuất, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã có tác dụng rất tốt đến việc thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của DN.

Không khó để có thể dẫn chứng ra những kết quả đạt được không chỉ từ sau các sự kiện nói trên mà là cả một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phấn đấu thực hiện. Ngoài các nhà đầu tư tại chỗ như HAGL, ĐLGL, Quang Đức hay một số nhà đầu tư sở tại khác, đó còn là kết quả từ chương trình hợp tác và đầu tư thông qua Siêu thị VINATEX-Pleiku, Công ty May Nhà Bè, Siêu thị Co.op Mart Pleiku, Công ty Chế biến Hạt điều Long Sơn, Phân hiệu Đại học Nông Lâm-TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai. Trước đó còn phải kể đến sự có mặt của Công ty Vinh Quang 1-TP. Hồ Chí Minh với 2 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dân cư tại Trà Đa và Diên Phú; Công ty FBS với dự án Khu đô thị Hoa Lư-Phù Đổng… Ngoài ra với chương trình hợp tác phát triển toàn diện với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh ta cũng đã thừa hưởng khá nhiều thành quả. Nói chung, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư cũng như chương trình hợp tác phát triển với TP. Hồ Chí Minh đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.   

Dẫn ra những kết quả đạt được đồng thời với những hạn chế, cũng chính là nhấn mạnh đến yêu cầu thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn tới phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm