(GLO)- Quà lưu niệm có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, tạo dấu ấn riêng của điểm đến.
Những năm gần đây, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã được chú trọng, du lịch Gia Lai đang tạo ra thị trường đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ các mặt hàng lưu niệm, nhất là các loại đặc sản và sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm.
Hiện nay, các sản phẩm lưu niệm được bày bán ở một số điểm du lịch như: Biển Hồ, Công viên Đồng Xanh, quầy trưng bày sản phẩm văn hóa của Bảo tàng tỉnh và các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại TP. Pleiku. Với sự phong phú về sản phẩm, đa dạng về chủng loại, các mặt hàng mang đậm nét văn hóa vùng miền, phần nào đáp ứng được nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch khi đến Gia Lai.
Quà lưu niệm có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, tạo dấu ấn riêng của điểm đến. Với nhiều du khách, mỗi khi đến tham quan một địa danh nào đó, thường muốn mang về 1 sản phẩm của địa phương để làm quà kỷ niệm cho chuyến đi, làm quà tặng bạn bè, người thân. Việc làm đó đã góp phần giới thiệu vẻ đẹp của điểm đến một cách trực quan, sinh động.
Phát triển các sản phẩm lưu niệm không chỉ góp phần quảng bá du lịch của địa phương mà còn giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có một số hợp tác xã, cá nhân làm đồ lưu niệm như: Hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Glar (huyện Đak Đoa), nghệ nhân Rơ Chăm Tih làm nhạc cụ dân tộc ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai)…
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra những sản phẩm nổi bật, khác biệt của địa phương, từng bước phát triển theo chiều sâu và đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, đem đến cho khách du lịch nhiều sản phẩm chất lượng, có ý nghĩa cùng những trải nghiệm thú vị, độc đáo.
Du khách tìm hiểu về các mặt hàng thổ cẩm. Ảnh: Trần Dung |
Theo người viết bài này, trước hết, các địa phương cần làm ra những sản phẩm lưu niệm ấn tượng, đa dạng về chủng loại gắn với hình ảnh đặc trưng của tỉnh Gia Lai, nâng cao nhận thức của người dân trong việc duy trì, bảo tồn nghề truyền thống; tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, vốn, nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở địa phương. Những sản phẩm trở thành quà tặng lưu niệm cần có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý từ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, cần tư vấn, hướng dẫn cho người dân xây dựng mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách; khảo sát để đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các chương trình, tour, tuyến du lịch. Qua đó, góp phần quảng bá rộng rãi bản sắc văn hóa địa phương, giải quyết đầu ra bền vững cho các mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ; thu hút các nhà cung cấp nhỏ lẻ tham gia vào thị trường du lịch và tạo ra điểm khác biệt cho du lịch của tỉnh, đồng thời góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch (tham quan, trải nghiệm làng nghề) có khả năng bổ trợ đắc lực cho các sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Một sản phẩm quà tặng lưu niệm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn để khách tham quan nhớ về nơi họ từng đến. Việc phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm không chỉ góp phần quảng bá du lịch hiệu quả mà còn giới thiệu những nét đẹp văn hóa, đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
PHẠM THỊ KHOA THI