Kinh tế

Thu hút nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Việc huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển, nhất là đối với các lĩnh vực thế mạnh như: phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch.

Tiềm năng dồi dào

Với diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp lên đến khoảng 846 ngàn ha cùng điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, Gia Lai có khả năng phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là cơ sở để tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với khoảng 98.700 ha cà phê, gần 88.000 ha cao su, hơn 29.000 ha cây ăn quả, hơn 23.300 ha điều, hơn 79.300 ha mì, hơn 76.000 ha lúa nước, gần 37.000 ha mía, 690 ha chè… phục vụ cho công nghiệp chế biến, hướng đến xuất khẩu.

Nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị với sản lượng cao, khối lượng lớn, chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, Gia Lai đã đẩy mạnh kêu gọi, thu hút gần 280 dự án đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó có khoảng 40 dự án trồng trọt, hơn 200 dự án chăn nuôi và 36 dự án trồng rừng. Đồng thời, để gia tăng giá trị canh tác, phát triển sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương trong tỉnh cũng đã linh hoạt chuyển đổi khoảng 41.600 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: chanh dây, chuối già Nam Mỹ, dứa Cayen, sầu riêng…

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Những dự án được cấp chủ trương đầu tư và đi vào hoạt động đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, nhất là những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực”.

Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút và đưa vào hoạt động mới 3.000-3.500 MW với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng ở lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo. Ảnh: Phạm Quý

Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút và đưa vào hoạt động mới 3.000-3.500 MW với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng ở lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo. Ảnh: Phạm Quý

Cùng với nông nghiệp, các lĩnh vực tiềm năng khác của Gia Lai cũng đang tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-thông tin: Gia Lai có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, có thể phát triển các dự án thủy điện tới quy mô công suất khoảng 3.000 MW. Về tiềm năng điện mặt trời, tỉnh có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 7.500 MW. Về tiềm năng điện gió, tỉnh có tốc độ gió trung bình khoảng 6-7 m/s, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 12.000 MW. Tỉnh cũng có khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối với quy mô công suất khoảng 850 MW.

“Gia Lai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW. Hiện tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan xem xét, đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 dự án năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi với tổng công suất khoảng 15.566 MW nhằm huy động các nguồn lực để phát triển với chất lượng ngày càng cao”-Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Sở hữu rất nhiều lợi thế về cảnh quan, tài nguyên do thiên nhiên ban tặng, vì vậy, du lịch đang là một trong những lĩnh vực mà Gia Lai đẩy mạnh khai thác, phát triển. Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được các cấp, các ngành quan tâm, trong đó ưu tiên huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư đường giao thông đến các điểm, khu du lịch đã được quy hoạch. Tổng vốn đầu tư hạ tầng du lịch giai đoạn 2017-2022 là 250 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu có khả năng khai thác nhanh cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã kêu gọi được 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký hơn 9.400 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 21-5-2022, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư và ký kết 3 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn 26.700 tỷ đồng gồm: Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại huyện Ia Grai; Dự án khu du lịch sinh thái suối đá cổ Ia Ly (huyện Chư Păh); Dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện).

Theo báo cáo đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, từ năm 2022 đến nay, hoạt động kinh doanh du lịch có sự phục hồi đáng kể. Doanh thu du lịch năm 2022 đạt 600 tỷ đồng và kế hoạch đặt ra năm 2023 là 700 tỷ đồng. Riêng trong 7 tháng năm 2023, lượng khách tham quan, du lịch đến Gia Lai đạt 690 ngàn lượt, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 62,7% kế hoạch; tổng doanh thu ước đạt 447 tỷ đồng, tăng 29,6%, đạt hơn 63,8% kế hoạch. Nhiều hoạt động “kéo” khách du lịch về Pleiku đã được tỉnh tổ chức bài bản, hấp dẫn như: Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II, Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm”, Giải Vô địch Kickboxing, Giải Đua xe đạp tranh cúp Truyền hình TP. Hồ Chí Minh lần thứ 35…

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030, ngày 20-1-2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU với quan điểm phải thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai trở thành vùng động lực của Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, Gia Lai sẽ trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng các sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu; gắn sản xuất với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành nông nghiệp thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 1.500 ha; dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 500 ha trở lên; hình thành 2-3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 328 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm 15-20%; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 350 triệu đồng/năm…

Ở lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, tỉnh phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới trên 3.000-3.500 MW với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng. Cùng với đó, du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ cùng phát triển; phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,7 triệu lượt khách…

Đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông-lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc, đạt 4,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 17.500 lượt trở lên.

Nhờ cơ chế thông thoáng, Gia Lai thu hút được nhiều dự án đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hà Duy

Nhờ cơ chế thông thoáng, Gia Lai thu hút được nhiều dự án đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hà Duy

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đang có từng bước được tỉnh phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” mới chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Là cơ quan giữ vai trò đầu mối, Sở tiếp tục xây dựng thông tin chi tiết về dự án đối với danh mục kêu gọi đầu tư; chủ động nghiên cứu, đề xuất cải tiến các thủ tục đầu tư để làm cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư. Cùng với đó, Sở đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc (nếu có) trên từng lĩnh vực cho các nhà đầu tư”.

Mới đây, tại hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, liên quan đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên chỉ đạo: “Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai các loại quy hoạch, nhất là các quy hoạch trọng tâm, các quy hoạch liên quan đến thu hút đầu tư, các dự án đầu tư có sử dụng đất theo đúng quy định. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa phương. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, phát triển công nghiệp tái tạo, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”.

Với việc cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 07-NQ/TU cũng như những kế hoạch, chương trình có liên quan khác, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Gia Lai sẽ sớm trở thành vùng động lực của Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm